Đừng để bệnh viện thành nơi đáng sợ

11/07/2016 05:29 GMT+7

Vụ việc nhân viên bảo vệ tại Bệnh viện Nhi T.Ư chặn xe cứu thương khiến dư luận phẫn nộ, vì nó đã chạm đến sự thiêng liêng nhất là sự sống con người.

Nhưng sự thực đây chỉ là giọt nước tràn ly. Bởi vì ai cũng biết “phong bì”, “cò” bệnh viện, lợi ích nhóm trong bệnh viện công không còn mới mẻ, nó hiển nhiên đến mức xã hội đã gần như thừa nhận, coi nó là chuyện bình thường - một sự “khuyết tật” về nhận thức. Trong một lần trả lời chất vấn ở Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế từng thừa nhận “tệ nạn” trên là thực tại chung tại các bệnh viện, cũng như thẳng thắn đánh giá tác hại của nó trong đời sống văn hóa, chính trị xã hội của đất nước.
Một bác sĩ người Singapore, bạn tôi đã bày tỏ sự kinh ngạc tột độ khi ở bệnh viện VN có nạn cò mồi, bệnh viện càng lớn, giỏi chuyên môn cò mồi càng nặng. Tình trạng này chủ yếu tập trung ở khu vực bệnh viện nhà nước. Đây là một “khuyết tật” khác về mặt xã hội thuộc khu vực công.
Sự thực thì môi giới giao dịch là một hoạt động bình thường của nền kinh tế thị trường. Hoạt động này giúp mọi người khi có nhu cầu, có thể tìm được một sản phẩm, hoặc một dịch vụ có chất lượng. Nhưng một khi những người chuyên làm nghề môi giới giao dịch được gọi là “cò”, thì có nghĩa những hoạt động môi giới giao dịch đó mang tính chất mờ ám, dựa trên những thông tin không rõ ràng minh bạch.
Môi trường giúp cho “cò” xuất hiện và phát triển là khi nền hành chính của một quốc gia nói chung, hoặc hoạt động của một ngành nào, một cơ sở nào đó nói riêng, thiếu minh bạch rõ ràng, có nhiều sơ hở, khiến lòng tham của con người tìm ra cách luồn lách để kiếm lợi.
Chưa nói đến chuyện có móc ngoặc, có dung túng từ các bác sĩ trong bệnh viện hay không, “cò” bệnh viện hoạt động được chính là nhờ trên những thông tin không được rõ ràng minh bạch, trong tổ chức hoạt động khám chữa bệnh, trong các bệnh viện, trung tâm y tế. Nhưng tại sao biết rõ như vậy mà các bệnh viện, cơ sở y tế vẫn duy trì hệ thống khám chữa bệnh thiếu minh bạch như vậy?
Bệnh viện đáng lẽ phải là nơi trong sáng nhất, nhân văn nhất, bởi là nơi con người ta yếu thế nhất. Nhưng điều gì đã khiến nó trở thành nơi đáng sợ? Ở đó, tiền bạc, những cái “phong bì” đã biến bệnh nhân thành những người khúm núm đáng thương, lương y đánh mất hình ảnh từ mẫu.
Lời xin lỗi của ông Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư về sự cố bảo vệ chặn xe cấp cứu rất cần thiết, nhưng xin lỗi suông là chưa đủ. Cho nghỉ việc ngay 3 bảo vệ đi thuê cũng là đáng lắm nhưng quan trọng là 3 anh bảo vệ ấy thực hiện lệnh của ai, nội quy nào, mới đáng bàn hơn. Chỉ khi những khuyết tật xã hội được giải quyết triệt để, chỉ khi bệnh viện dám từ bỏ quyền lợi kinh tế, thì cái cớ “an ninh trật tự” mới không được đem ra để dung túng độc quyền mà gây khó cho bệnh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.