Thế nhưng, đu theo các tin đồn này mà “xuống tiền” thì lợi đâu chưa thấy, rất nhiều người khốn khổ vì chôn vốn không biết đến bao giờ.
Những thông tin từ việc mở đường, làm cầu, phân chia lại địa giới hành chính, thành lập quận, huyện... vẫn luôn là “mồi ngon” cho giới đầu cơ tạo các cơn sốt nhà đất kiếm lợi khủng. Nhưng có một thực tế là, cho đến khi những thông tin kiểu này trở thành hiện thực, thị trường đã thiết lập một mặt bằng giá mới cao hơn rất nhiều, nhảy vào lúc này không cẩn thận là “ôm bom”. Bởi giới đầu cơ đã “làm bàn” trước đó chứ không bao giờ đợi đến ngày cầu, đường, quận hay TP chính thức thành hiện thực.
Khốn khổ hơn là những người mua bất động sản từ những tin đồn rỉ tai nhau. Những người này xác định chôn vốn dài hạn, người nào vay tiền đầu tư thì phải chấp nhận lỗ ra hàng vì không thể gánh lãi đường dài. Tới Nhơn Trạch (Đồng Nai), Cần Giờ (TP.HCM) sẽ chứng kiến cảnh đất ruộng, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản giá cao trên trời, đa số đều có chủ nhưng bỏ hoang. Không biết bao nhiêu người đã chôn vốn vào đây từ các thông tin cứ một năm vài lần được thổi ra rằng cầu Cát Lái (nối Nhơn Trạch với TP.HCM), cầu Cần Giờ sắp khởi công... Những dự án cầu này vắt từ năm này qua năm khác, vắt từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác vẫn chưa thể triển khai, nhưng một nguồn lực không nhỏ trong xã hội chôn vào đây... không biết đến bao giờ.
Trở lại với thông tin thành lập TP.Củ Chi, đây chỉ là đề xuất của lãnh đạo huyện về việc liên kết 3 quận huyện để xây dựng thành phố mới chứ chưa có đề án cụ thể, cũng chưa có văn bản pháp lý nào của TP.HCM về việc này.
Nhưng thông tin lại đang lan truyền rất “bài bản”, giống như các cơn sốt cầu, đường, thành lập quận, huyện trước đây. Nhìn lại thì đây không phải lần đầu tiên Củ Chi bị đồn đẩy để tạo sốt đất. Trước đó mấy năm, trong chương trình chuyển đổi, phát triển một số huyện thành quận có đề cập đến vấn đề phát triển đô thị ở khu vực Tây Bắc TP.HCM cũng khiến khu vực này dậy sóng, sốt đất, bán dự án ảo, dự án ma. Đến mức, UBND TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM còn ra công văn cảnh báo Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, dù không phải là chủ đầu tư, nhưng đã tự tiện quảng cáo là “chủ đầu tư” dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, rao bán hàng nghìn nền đất... Đã 4 năm trôi qua kể từ ngày đó, Củ Chi vẫn thế, chỉ có không ít người chôn vốn vào đây đành ngậm ngùi chờ...
Những thông tin từ phòng họp, phần nhiều chỉ là trao đổi được thổi ra ngoài, rỉ tai nhau rồi người nọ lôi kéo người kia... nghe thì có vẻ vô tình nhưng đều là hữu ý của một nhóm, một số cò, đầu nậu. Thị trường từ Bắc đến Nam đã chứng kiến cảnh môi giới tung hứng, bán ảo qua lại với nhau để dụ dỗ người mua.
Vì vậy, hãy cảnh giác tối đa, đừng để tin đồn "móc túi" chúng ta một cách dễ dàng như vậy.
Bình luận (0)