Như Thanh Niên đã thông tin, luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi 2023 được Quốc hội thông qua có quy định một số nội dung mới như tự chủ bệnh viện (BV), với các quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở KCB; quy định cụ thể hình thức xã hội hóa trong hoạt động KCB với 7 hình thức…
Luật KCB 2023 cũng quy định một số điểm mới thay thế luật KCB 2009. Trong đó, tại điều 40 quy định "Quyền từ chối KCB".
Theo đó, có 5 tình huống người hành nghề được từ chối KCB. Tình huống thứ nhất, tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở KCB khác phù hợp để KCB và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở KCB khác. Tình huống thứ hai, việc KCB trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp. Tình huống thứ ba, người bệnh, thân nhân người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi. Tình huống thứ tư, người bệnh yêu cầu phương pháp KCB không phù hợp quy định về chuyên môn kỹ thuật. Tình huống thứ năm, người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Quy định mới rất thiết thực!
"Đã từng xảy ra nhiều trường hợp bệnh nhân (BN), người nhà hành hung bác sĩ (BS), nhân viên y tế khiến dư luận bức xúc. Như vụ xảy ra vào tối 27.7.2022: BS T. (công tác tại Khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định) đã bị người nhà BN ngoài mắng mỏ, tấn công, bóp cổ, còn đe dọa sẽ chặn đường… Luật KCB sửa đổi 2023 đã có quy định về "Quyền từ chối KCB", tôi cho là hết sức thiết thực và tôi hoàn toàn ủng hộ. Rất mong luật được phổ biến rộng rãi, để mọi người biết và chấp hành tốt", bạn đọc (BĐ) Văn Anh cho biết.
Đồng ý kiến, BĐ Redo cho biết: "Thái độ đe dọa là một trong những thái độ tưởng như là thể hiện sự lo lắng, nôn nóng, quan tâm chăm sóc người nhà, nhưng thật ra đó là một thái độ đáng lên án vì gây áp lực thêm cho đội ngũ y tế điều trị bệnh một cách không cần thiết, không giúp ích một chút gì cho quá trình điều trị bệnh, mà còn cản trở mọi việc. Một khi đã có thái độ đe dọa tới nhân phẩm, tính mạng người khác, thì bất cứ ai, bất kể ở ngành nghề nào cũng đều có quyền từ chối. Luật này là để bảo vệ nhân viên ngành y khỏi những người có thái độ không hợp tác".
Bệnh nhân bất tỉnh, người nhà hung hăng thì "coi như xong" sao?
Đó là thắc mắc của một số BĐ. Cụ thể, BĐ So Hua nêu vấn đề: "Vậy, sinh mạng của BN đi cấp cứu bây giờ phụ thuộc vào thái độ của người đưa tới với BS. Trong khi BN bất tỉnh nhân sự mà người đưa tới có thái độ đe dọa BS là coi như xong sao?". BĐ Hàm Long đặt câu hỏi: "Trường hợp tôi là BN bất tỉnh cần cấp cứu để cứu mạng. Nếu người nhà (hoặc ai đó) đưa tôi tới BV mà có thái độ đe dọa, hành hung nhân viên y tế, thì tôi bị từ chối KCB sao? Nếu vậy thì tôi chỉ có chết. Tôi nghĩ trường hợp này BV nên phối hợp với công an, bảo vệ xử lý người nhà, còn BN thì phải cứu chữa. Ai sai thì trị người đó, còn ai bệnh thì phải cứu chứ?".
Đáp lại, BĐ [email protected] cho rằng: "Vậy thì người đưa tới không được có thái độ đe dọa BS nữa. Vì nếu bị đe dọa, sẽ làm nhân viên y tế bối rối, hoảng sợ, lỡ dẫn đến thao tác không chính xác thì nguy lắm bạn ạ".
"Tôi từng có một lần tình cờ gặp một người đi đường bị ngất xỉu nên đưa vào cấp cứu tại BV, xin có ý kiến: Một, rất mong người nhà BN có đến thì làm ơn tìm hiểu kỹ mọi việc, chứ chưa gì đã đòi hành hung người giúp đỡ, coi họ là "thủ phạm", thì đúng làm ơn mắc oán, tội lắm! Hai, mong BV có một người tiếp nhận sự việc, ghi lại, và giải quyết các bước tiếp theo, vì bản thân người đưa BN đến BV chỉ là tình cờ, không biết BN, gia đình BN, và thậm chí có khi cũng không có tiền trong túi… Nói vậy mong mọi người hiểu", BĐ Thường góp ý.
* Đây là những thông tin mới, rất đáng chú ý, cần phổ biến cho mọi người.
Trịnh Cường
* Mấy anh chị hay hổ báo, nóng nảy lo mà giữ mình. Giờ mà quậy là coi chừng bị từ chối khám chữa bệnh cho người nhà, tự mang về mà chữa!
Vạn
* Phải biết tôn trọng người khác, phải văn minh lên thôi, đừng cái kiểu như ở nhà muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm. BS chữa bệnh cho mình thì mình càng phải tôn trọng.
Hai Bình
* "Lương y như từ mẫu", theo tôi, câu này không chỉ dành cho BS mà còn dành cho BN, người nhà: phải coi BS như "từ mẫu".
N.N.N.N
Bình luận (0)