Như Thanh Niên thông tin, mới đây, một tiến sĩ trẻ đi học nước ngoài về, vừa giảng dạy, nghiên cứu khoa học vừa được giao đủ thứ việc nhưng chỉ nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng, thu nhập tăng thêm cũng rất thấp. Với mức lương này, giảng viên đã lên mạng tìm kiếm việc làm thêm và có ý định chuyển sang nơi khác. Được biết, đây là giảng viên của một trường ĐH công lập ở khu vực ĐBSCL, mới đi học tiến sĩ ở nước ngoài về, do lương quá thấp nên đã vào một trang fanpage của những người làm nghiên cứu khoa học, làm tiến sĩ (VietPhD) để chia sẻ.
Nội dung chia sẻ của một tiến sĩ trẻ đi học nước ngoài về trên VietPhD |
Chụp màn hình |
Tiến sĩ này viết: Tôi mới tốt nghiệp tiến sĩ về và đi dạy tại một trường công. Mức lương thấp (6 triệu), tiền thưởng công bố cũng thấp và rất khó mới nhận được. Tôi có 5 công bố SSCI ngành quản lý, gồm 3 bài báo Q1 (2 bài độc lập, 1 bài đồng tác giả), 1 bài báo Q2 (độc lập) và 1 Q4 (độc lập) và có khả năng nghiên cứu độc lập. Tôi mong muốn có thể làm nghiên cứu bán thời gian của một trường/tổ chức khác để kiếm thêm thu nhập.
Tiến sĩ này cho biết mình du học lĩnh vực quản lý vận tải bằng học bổng tự tìm kiếm. Trong quá trình học, trường ĐH có đóng bảo hiểm và trả lương 1 triệu đồng/tháng và trước khi đi đã ký cam kết sẽ về công tác tại trường 10 năm, nếu không sẽ bị phạt gấp 3 lần số tiền trường cấp (khoảng hơn 100 triệu đồng).
Nói thêm về thu nhập, tiến sĩ này cho hay: “Mỗi năm mà dạy vượt thì 100 giờ cũng chỉ được trả 7 triệu đồng. Chỗ tôi cũng không có trường tư ngoài để xin đi dạy. Chưa kể lịch dạy ở trường kín tuần, lại thêm công việc cố vấn học tập, hướng dẫn sinh viên... Tôi cũng đang cân nhắc việc chuyển sang trường khác vì lương hiện tại thấp và trường cũng không mặn mà gì với nghiên cứu khoa học”.
Chất xám quá rẻ
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ xót xa khi lương tiến sĩ chưa bằng lương công nhân lao động chân tay. “Lương chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng/tháng có lẽ còn thấp hơn lương phụ hồ nhiều nơi. Quả là chất xám quá rẻ, thua xa các bác tài xe công nghệ và chẳng bằng thu nhập lao động chân tay bậc thấp...”, BĐ Duc Thao xót xa.
Tương tự, BĐ Lu Huu viết: “Dân lao động tự do, mỗi tháng thu nhập ít nhất cũng 7,5 triệu đồng (nghỉ chủ nhật hằng tuần), hằng ngày đi làm khỏi phải chuẩn bị dụng cụ gì, tối về ngủ khỏe. Còn ở đây học tới tiến sĩ mà lương chỉ 6 triệu đồng/tháng thì thật là bèo bọt”.
“Qua bài báo này mới thấy nền khoa học VN khó mà phát triển được. Vì nhiều lý do khách quan tác động đến ý thức chủ quan của người làm khoa học. Bởi vậy, nhìn vào nền kinh tế VN thì sẽ thấy rõ đa phần các doanh nghiệp phát triển hầu hết là địa ốc, bất động sản, hiếm có doanh nghiệp nào liên quan đến khoa học kỹ thuật nằm trong top. Buồn thay!”, BĐ Quang Tuan lo lắng.
“Đây cũng là câu trả lời cho lý do tại sao các tiến sĩ, thạc sĩ du học xong đều chọn ở lại nước sở tại làm việc chứ ít ai về nước cống hiến. Đãi ngộ không tương xứng thì đừng mơ nhân tài về cống hiến”, BĐ Nguyen Ren thẳng thắn.
Sớm tháo gỡ để giữ, thu hút người tài
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đề nghị các cấp lãnh đạo cần nhìn vào thực tế và nhanh chóng tháo gỡ, tránh chảy máu chất xám. “Trả lương 6 triệu đồng/tháng cho tiến sĩ thì làm sao giữ chân được người tài. Đã có nhiều trường hợp người giỏi đi học xong không chịu về nước cống hiến chỉ vì một trong những lý do là lương thấp. Chúng ta đã nhìn ra bản chất vấn đề thì cần phải sớm có phương án tháo gỡ nút thắt này. Đừng chần chừ mà để “chảy máu chất xám” từ năm này qua năm khác”, BĐ Ngọc Mai góp ý.
Cùng quan điểm, BĐ Trúc Phương viết: “Đãi ngộ thấp thì làm sao mà thu hút người tài, người giỏi. Một thực trạng đáng báo động và cũng là nguyên nhân của chảy máu chất xám. Bởi không ai muốn bỏ công sức học tập, cống hiến rồi nhận về một mức lương không đủ sống cả. Vấn đề này cần được giải quyết ngay, nếu không sẽ rất lãng phí nhân tài, người giỏi”.
Còn BĐ Anh Thơ ý kiến: “Mong các cấp lãnh đạo cần nhìn nhận thực tế để có những hướng xử lý đúng đắn. Thực tế nguồn lao động có năng lực của VN không thiếu, nhưng cách trọng dụng thì vẫn còn là một bài toán. Nếu có mức lương phù hợp thì sẽ thu hút được các thạc sĩ, tiến sĩ làm việc thôi”.
“Nói thật là nếu không có những quy định rõ ràng hơn mà cứ cào bằng như thế này thì chỉ làm thị trường lao động bị mất đi người giỏi, người tài thôi. Đó là chưa kể nhiều bạn trẻ còn nảy sinh tâm lý “lười học lên” dù có đủ năng lực vì biết rằng công sức mình bỏ ra với cái nhận lại được là không xứng đáng”, BĐ Vũ Nhân cảnh báo.
* Tiến sĩ thu nhập bằng lao động phổ thông, quá bất cập...
Hà Nguyễn
* Nhà nước nên có một bảng lương riêng dành cho các cấp và có chế độ phụ cấp hợp lý hơn.
Hien Duong
* Mức lương bèo bọt, thậm chí là thấp hơn cử nhân mới ra trường, sẽ là rào cản nhân tài của nhiều đơn vị công lập.
Trung Thuc
* Đi học tốn tiền, tốn thời gian mà lương 6 triệu đồng/tháng như vậy thì ai làm, ai cống hiến cho.
B.Đ
* Bây giờ công nhân bình thường còn làm được hơn 10 triệu đồng/tháng, học tiến sĩ mà lương đãi ngộ thấp quá thì có lãng phí nhân tài không?
Hoang Anh
Bình luận (0)