Ngày 16.3, Ban Dân nguyện Quốc hội cùng với Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý luật Đất đai sửa đổi.
Đền bù 1 triệu, doanh nghiệp bán 50 triệu sẽ thấy bất công vô cùng
Nêu ý kiến tại tọa đàm, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng băn khoăn khi những nguyên tắc, chính sách cơ bản trong luật Đất đai không sửa, song dự thảo luật sửa đổi lại gần như sửa tất cả các điều khoản trong luật hiện hành.
"Ta sửa tủn mủn vào tất cả các điều. Tôi nói thật sửa thế này 3 năm nữa không xong. Và như vậy chi phí thực thi lớn kinh khủng. Không rõ chính sách gì. Làm luật thế này là chết", ông Dũng nói.
Ông Dũng phân tích, một trong những điều kiện quan trọng nhất để có môi trường kinh doanh tốt chính là sự ổn định pháp lý. Nếu luật cứ sửa đổi liên tục, doanh nghiệp, người dân không thể đáp ứng được. Trong khi đó, bộ máy hành chính trong lĩnh vực đất đai hiện đã khá "thành thạo" thì nay với việc sửa đổi gần như toàn bộ sẽ phải đào tạo để thạo việc trở lại. Quá trình này có thể mất tới 5 - 7 năm.
"Ta dỡ ra toàn bộ để sửa mà những chính sách, nguyên tắc cơ bản không sửa, ban hành xong lại ách tắc thì rủi ro hết sức lớn", ông Dũng nhận xét.
Cho rằng vấn đề vướng mắc nhất cần phải sửa trong luật Đất đai là điều tiết chênh lệch địa tô, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thời gian qua, cả hệ thống đang bị thúc đẩy để hưởng chênh lệch địa tô và đây cũng là nguyên nhân phát sinh bất công.
"Ví dụ đất nông nghiệp bán 1 triệu đồng/m2, xong quy hoạch nơi đó làm đất ở, giá đất tăng lên 50 triệu đồng/m2 thì 49 triệu đồng tăng thêm kia là chênh lệch địa tô. Nó là do chính sách mang lại chứ không phải là cái gì cả", ông Dũng phân tích, cho rằng, điều này gây phản cảm, bức xúc và tạo động lực méo mó.
"Bây giờ ta thấy, tôi được đền bù 1 triệu đồng/m2, mấy hôm sau doanh nghiệp bán 50 triệu đồng tôi sẽ thấy bất công vô cùng", ông Dũng nói.
Từ đó, ông Dũng cho rằng, luật Đất đai sửa đổi lần này phải điều tiết được chênh lệch địa tô thế nào cho hài hòa, và dùng chênh lệch địa tô đó để làm sao nơi ở mới cho người bị thu hồi đất bằng hoặc tốt hơn nơi cũ như nghị quyết của Đảng đã nêu.
"Nếu có chênh lệch địa tô đó thì đừng để rơi vào túi doanh nghiệp hoặc ông quan có quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch. Trong trường hợp đó cần có cách nào đó chia lại chênh lệch địa tô thế nào cho công bằng", ông Dũng kiến nghị.
"Cái chính là người dân bị thu hồi đất phải có tiếng nói"
Một vấn đề khác cũng được ông Dũng cho là vướng mắc là quy định về định giá đất theo giá thị trường. "Tôi nói thật nếu quy định như vậy không khéo không có địa phương nào dám quyết giá đất cả và nó dẫn tới ách tắc thì rất nguy", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, giá thị trường chỉ xuất hiện khi thuận mua, vừa bán. Do đó, vẫn phải có cơ chế để tính giá đất chứ không thể nói là theo giá thị trường.
"Tôi cho quan trọng là giá đất thế nào cho công bằng. Cái chính là người dân bị thu hồi đất người ta có tiếng nói", ông Dũng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, không xử lý được vấn đề chênh lệch địa tô, không thể đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người có quyền sử dụng đất.
"Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc ở luật này thì không ai biết được nó có khả thi không", ông Sỹ nói.
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi quy định bảng giá đất được HĐND địa phương xây dựng hàng năm và giá đất cụ thể trong các giao dịch cụ thể, khi có dự án, giao đất, giải phóng mặt bằng… đều xây dựng trên nguyên tắc thị trường.
Ông Sỹ băn khoăn: "Nếu cả 2 giá đều xác định dựa trên nguyên tắc thị trường vậy thì làm 2 bảng giá đất để làm gì?".
Dẫn ví dụ ở các nước phát triển như Pháp, cũng xây dựng 2 bảng giá đất nhưng bảng giá đất để công dân thực hiện các nghĩa vụ tài chính với xã hội, nhà nước về nguyên tắc sát với giá thị trường song không neo theo giá thị trường, có thể ổn định theo nhiều năm.
Cạnh đó, giá cụ thể chỉ xuất hiện khi có dự án, có việc đền bù, thu hồi và lúc đó phải tôn trọng thị trường, định giá theo ý kiến của cơ quan chuyên môn về quản lý giá.
"Bảng giá đất ở Pháp để tính thuế, tính nghĩa vụ tài chính cho người dân nhiều năm không đổi. Tại sao chúng ta không làm theo cách đó?", ông Sỹ nêu.
Bình luận (0)