Việc tự do đi lại, tiếp cận hạ tầng giao thông là những quyền lợi thiết thân của người khuyết tật (NKT). Bởi nó giúp NKT hòa nhập cộng đồng, giảm sự phụ thuộc vào gia đình và tăng cơ hội học tập, làm việc. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua vẫn tồn tại bất cập về cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho NKT.
Có thể khẳng định rằng các quy định về việc cấp GPLX cho NKT không thiếu.
Cụ thể, luật Giao thông đường bộ năm 2008 tại điều 59 có quy định NKT điều khiển xe máy 3 bánh dùng cho NKT được cấp GPLX hạng A1; Thông tư 46/2012 và Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về việc cấp GPLX hạng A1 và B1 cho NKT. Hay tiêu chuẩn sức khỏe để NKT được cấp GPLX được quy định tại Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT.
Thế nhưng đến nay NKT vẫn gặp vô vàn khó khăn từ khâu khám sức khỏe, đào tạo, sát hạch đến cả khâu hoán cải xe phù hợp với dạng tật.
Kể từ vụ việc người đàn ông lái xe được cho là khuyết tật (dạng tật cụt chân) gây tai nạn giao thông tại TP.Bắc Ninh (Bắc Ninh) hồi cuối năm 2022, người dân thắc mắc về các điều kiện để NKT được cấp GPLX. Song song đó, sự việc này cũng làm nổi lên làn sóng tự sự của rất nhiều NKT trên các diễn đàn về hành trình gian nan lẫn thất vọng của họ khi thi lấy GPLX.
Không phải NKT nào cũng có nhu cầu thi lấy GPLX vì họ ý thức rất rõ sự an toàn của họ nói riêng và an toàn giao thông nói chung, nhưng tréo ngoe là những người thật sự có nhu cầu thì lại gặp trở ngại. Một NKT chia sẻ rằng anh mất 2 năm trời, với biết bao thời gian, đơn thư, phản ánh nguyện vọng với nhiều đơn vị mới có được GPLX hạng B1. Khi cầm bằng B1 trên tay, anh khóc òa lên vì hạnh phúc…
Nhìn lại Báo cáo điều tra quốc gia về NKT năm 2016, VN có khoảng 6,2 triệu NKT, trong đó hơn 5,5 triệu NKT từ 18 tuổi trở lên, đa số là khuyết tật vận động. Riêng tại TP.HCM, thống kê của Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi TP.HCM cho thấy địa phương có khoảng 57.000 NKT. Mặc dù đến nay không có bất kỳ điều tra, thống kê chính thức nào trên cả nước hay riêng tại TP.HCM về số NKT được cấp GPLX, nhưng các đơn vị hoạt động hỗ trợ NKT đánh giá rằng con số này là rất nhỏ, nếu không nói là phần lớn NKT đang "chạy lụi" ngoài đường.
VN đã ký Công ước quốc tế về quyền của NKT (CRPD) năm 2007 (phê chuẩn công ước này vào năm 2014) và có kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2017 nhằm thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Với những cam kết mạnh mẽ của mình, VN đã đẩy mạnh thiết kế và triển khai nhiều chính sách, hoạt động hỗ trợ và phát triển cho NKT, điển hình là về cơ hội giáo dục, việc làm.
Đã đến lúc các cơ quan hữu quan hành động mạnh mẽ và thống nhất hơn, để các quy định, chính sách đi vào thực tế, đảm bảo quyền của NKT tham gia giao thông. Một chính sách nhân văn như vậy không thể mãi "nằm im" trên giấy.
Bình luận (0)