Đừng để chữ Tiền che mất chữ Tâm

12/01/2014 10:25 GMT+7

Cô bạn tôi học chuyên ngành tiếng Anh nhưng lại có say mê với nghề báo nên từ cấp 3 đã tập tành cầm bút viết cho một số tờ báo tuổi teen. Năm cuối đại học nó nộp hồ sơ xin làm cộng tác viên của một tờ báo mạng với mong muốn được viết hoặc dịch tin bài bên mảng Đời sống - Xã hội...

Cô bạn tôi học chuyên ngành tiếng Anh nhưng lại có say mê với nghề báo nên từ cấp 3 đã tập tành cầm bút viết cho một số tờ báo tuổi teen. Năm cuối đại học nó nộp hồ sơ xin làm cộng tác viên của một tờ báo mạng với mong muốn được viết hoặc dịch tin bài bên mảng Đời sống - Xã hội. Người phỏng vấn xem xong bảng điểm và kinh nghiệm viết báo thì chỉ hỏi qua một số vấn đề rồi đồng ý nhận nó vào tòa soạn. Nó mừng lắm, gọi điện khoe rối rít vì có được cơ hội trở thành một nhà báo thực sự.

Nhưng mọi việc sau đó diễn ra trái ngược hoàn toàn với những gì cô bạn của tôi tưởng tượng. Đầu tiên nó không được cộng tác bên mảng Đời sống - Xã hội như mong muốn mà bị chuyển sang làm bên mảng Tin tức giải trí viết về các ngôi sao, hậu trường, scandal. Mặc cho nó ý kiến, chị thư ký tòa soạn chỉ nhìn nó với ánh mắt “trẻ con chưa hiểu chuyện” rồi rỉ tai “Cái này dễ viết lắm. Em thích viết thế nào thì viết miễn sao giật gân, câu view càng nhiều càng tốt. Mảng này chủ yếu phục vụ thị hiếu độc giả, có ai kiểm chứng đâu mà lo. Mà đề tài thì thiếu gì, lộ hàng, thẩm mĩ, phát ngôn gây sốc, mỗi ngày viết vài bài lương cuối tháng lại đếm không xuể”.

Nó làm được một ngày thì bỏ. Tôi hỏi thì nó bảo “tao thích tiền thật nhưng tuyệt đối không ham. Viết mấy cái này dễ kiếm tiền nhưng ngòi bút mau xuống lắm. Với lại bán cải quen, chém gió thành thần, đạo đức lại xuống dốc không phanh ấy chứ”. Rồi cô bạn lại lao vào nộp hồ sơ xin việc, lại chờ đợi những lá mail mời phỏng vấn.

Tôi rất khâm phục nó vì biết “phanh” đúng lúc nhưng thử hỏi trong cái thời buổi kinh tế thị trường, đồng tiền đứng trên tất cả này có mấy ai “dám phanh” hay “kịp phanh” để tránh lăn xuống con dốc suy thoái đạo đức, đánh mất lương tâm nghề nghiệp chỉ vì chạy theo lợi ích.

Ngẫm lại thấy bây giờ ra chợ mua rau, mua thịt mà sợ. Người bán cứ luôn miệng khẳng định hàng của mình là sạch 100% nhưng ai dám chắc chỗ rau chỗ thịt kia không phải hàng Trung Quốc làm giả, đã ngâm chất xử lý. Người bán hàng chạy theo lợi nhuận mà coi thường sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, bác sĩ vì chưa nhận được tiền bồi dưỡng mà bỏ mặc bệnh nhân không cứu chữa, quan tòa vì tiền đút lót mà xử án thiên vị, giáo viên muốn kiếm thêm thu nhập bắt học sinh tới nhà học thêm dạy thêm nếu không đến thì bị trù dập, hạ điểm…

Thiết nghĩ nếu những cái ung nhọt xấu xí kia còn ung dung hoành hành thì xã hội của chúng ta sớm muộn cũng sẽ rơi tới tận cùng của con dốc suy thoái đạo đức, khủng hoảng giá trị con người. Vì vậy để chung tay trong trận chiến này, mỗi người chúng ta hãy luôn tâm niệm đặt chữ “Tâm” lên trước chữ “Tiền”, đừng để đồng tiền làm mờ con mắt, che khuất lương tâm từ những hành động nhỏ nhất. Chính sự dũng cảm thay đổi của chúng ta bây giờ sẽ góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai - một xã hội mà đạo đức sẽ được trả lại vị trí tôn vinh hàng đầu chứ không phải chịu cảnh luồn cúi dưới bóng quan tiền như hiện tại.

 Nguyễn Thị Thu Huyền (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một sinh viên năm cuối Trường đại học Hà Nội 

>> Đạo đức không tính được bằng tiền
>> Đạo đức quy ra tiền
>> Nhận diện' đạo đức báo chí
>> Mổ xẻ' đạo đức người làm báo
>> Không cho dời nhà thuốc vì... đạo đức hành nghề
>> Đừng đóng khuôn giáo dục đạo đức
>> Vi phạm đạo đức, một giáo viên bị kỷ luật
>> Buộc thôi việc một phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.