Đừng để chuyện nhỏ làm khó chuyện lớn

18/06/2023 06:18 GMT+7

Hàng loạt dự án giao thông, cao tốc, công trình trọng điểm được khởi công hôm nay (18.6) khiến người dân, doanh nghiệp khu vực phía nam vui mừng khôn xiết.

Thế nhưng thực trạng chậm tiến độ vì thiếu đất, cát đắp nền; vì vướng một vài thủ tục; vì một tỷ lệ  rất nhỏ mặt bằng chưa thể giải phóng để bàn giao... của nhiều dự án trước đó lại ám ảnh không chỉ nhà thầu mà cả lãnh đạo chính quyền các địa phương.

Đơn cử dự án Vành đai 3, được gọi là "con đường khát vọng" của người dân TP.HCM cũng trải qua rất nhiều gập ghềnh, trắc trở dù nhận được sự ủng hộ và quyết tâm chính trị từ cả Trung ương tới địa phương. Mới nhất là chuyện thiếu cát san lấp phải "cầu cứu" các tỉnh lân cận đến chuyện 1 doanh nghiệp không chịu bàn giao mặt bằng... Những chuyện tưởng chừng chỉ có ở các dự án nhỏ, thiếu sự chuẩn bị chứ không phải ở công trình trọng điểm quốc gia với hàng thập kỷ ấp ủ như Vành đai 3.

Tương tự, hàng loạt dự án giao thông được triển khai tại khu vực miền Trung, Đông Nam bộ, miền Tây đang đối mặt tình trạng khan hiếm đất đắp nền, cát và đá xây dựng. Nguồn vật liệu này lấy từ đâu, khai thác ra sao cũng đang làm đau đầu chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề này thậm chí được đẩy lên nghị trường Quốc hội khi nhiều ý kiến đề xuất lấy cát biển thay thế cát sông cho các dự án cao tốc.

Tất nhiên, khan hiếm vật liệu dùng cho xây dựng, san lấp nói chung và cát nói riêng không hề là "chuyện nhỏ" và cũng không phải là câu chuyện của riêng VN. Nhiều nước trên thế giới cũng đối mặt với khủng hoảng thiếu khi nhu cầu sử dụng vật liệu cát trong xây dựng ngày càng tăng do quá trình phát triển, đô thị hóa và xây dựng hạ tầng giao thông gia tăng đột biến. Trở lại với VN, ngoài chuyện Bộ GTVT đang nghiên cứu sử dụng cát biển thay thế mà bước đầu "có triển vọng" thì việc quản lý cát sông là không thể chậm trễ. Bao năm qua, chúng ta đã chứng kiến vấn nạn khai thác cát lậu không chỉ gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông ở nhiều tỉnh ĐBSCL mà còn mất đi nguồn dự trữ cát cho các dự án đã, đang và sẽ triển khai. Quan trọng hơn, trước nhu cầu ngày càng tăng của ngành xây dựng hạ tầng thì vật liệu thay thế là điều phải tính đến.

Có một thực tế là dù thiếu cát san lấp nhưng đa số chủ đầu tư vẫn chê không sử dụng vật liệu thay thế. Chẳng thế mà cuối năm 2022, UBND tỉnh Trà Vinh đã phải chỉ đạo Sở Xây dựng tìm hiểu, gỡ khó cho doanh nghiệp trúng đấu giá 1 triệu tấn tro xỉ sử dụng san lấp vì không có đầu ra do các công trình, dự án ngay trên địa bàn tỉnh khi xây dựng hồ sơ thiết kế chưa xem xét tro xỉ là vật liệu san lấp như cát để xem xét lựa chọn, dù tro xỉ đã được cấp chứng nhận hợp chuẩn để san lấp... Những vấn đề này nếu được giải quyết thỏa đáng, chắc chắn nhiều dự án sẽ không bị ảnh hưởng tiến độ. Và bởi chúng ta có thể chủ động tính toán được trong khả năng của mình, nên nói "chuyện lớn" thiếu thành "chuyện nhỏ" là vậy.

Để đi tới khởi công một dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia, thì trước đó là một hành trình rất dài của cả Nhà nước và chủ đầu tư trong việc sắp xếp vốn, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, vượt qua hàng rào thủ tục... Đầu đã xuôi, đừng để "đuôi bị kẹt" vì những chuyện nhỏ nhưng gây khó cho các công trình lớn. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang cần cú hích đầu tư công để phục hồi và tăng trưởng như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.