Công văn của Tỉnh ủy Bình Thuận nhận định tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất đai xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi trong tỉnh. Tình trạng bao chiếm, lấn chiếm ở các dự án mà nhà nước đã giao đất, cho thuê đất, hoặc những nơi đã hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng đang rất phức tạp.
Đặc biệt, Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, có tình trạng lấn chiếm đất có tổ chức bởi một số đối tượng cộm cán, côn đồ đang gia tăng. Điều này đã gây mất an ninh trật tự tại địa phương, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trên lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai.
Vụ lấn chiếm đất đai của Trần Thị Ngọc Nữ ở P.Mũi Né (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) 2 năm nay chưa xử lý xong |
Q.H |
Để xảy ra tình trạng như trên, phải khẳng định chắc chắn một điều là có dấu hiệu của sự buông lỏng quản lý. Ở đâu để xảy ra tình trạng “bát nháo” về quản lý đất đai thì phải khẳng định, ở đó mạng lưới “chân rết” là các tổ chức yếu kém hoặc không được phát huy, mà vụ việc xảy ra ở P.Mũi Né, TP.Phan Thiết minh chứng cho điều này.
Tại phường này, trong suốt vài năm trở lại đây, tình trạng bao chiếm, lấn chiếm đất công, đất các dự án mà nhà nước đã giao khá phổ biến. Các kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Thuận, của UBND TP.Phan Thiết đã chứng minh điều vừa nói.
Hay cụ thể hơn là vụ bao chiếm đất công của bà Trần Thị Ngọc Nữ ở Mũi Né là ví dụ “sinh động” nhất về công tác quản lý đất đai ở địa phương này.
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của nhà nước được quản lý theo luật, và hiện là “từ khóa” rất nóng ở Bình Thuận. Các chủ trương, chính sách nhằm siết chặt về quản lý đất đai cần phải cụ thể, thiết thực. Chính sách ban hành phải kèm theo kiểm tra, giám sát và hiệu lực, hiệu quả trong thực thi, chứ không phải “nói rồi để đó”. Có như thế mới thoát khỏi cảnh “cọp bắt bò mới lo làm chuồng” như ông bà xưa thường nói.
Bình luận (0)