Đừng để Đà Nẵng là thành phố 'không ký ức'

25/10/2019 08:00 GMT+7

Tiếc nuối vì các công trình lịch sử bị xóa bỏ nhường chỗ cho đô thị hóa, các nhà quy hoạch, nghiên cứu văn hóa khẳng định: Đà Nẵng cần có giải pháp bảo tồn các di tích , dành nhiều quỹ đất hơn cho thiết chế văn hóa.

Phát biểu tại hội thảo Bàn về văn hóa lối sống đô thị Đà Nẵng do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng tổ chức hôm qua (24.10), ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.Đà Nẵng, bày tỏ sự tiếc nuối về quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng mấy chục năm gần đây đã làm cho TP bên sông Hàn đối diện với nguy cơ “đánh mất… ký ức”. Theo ông Tiếng, thời gian qua, chính quyền TP đã có không ít nỗ lực điều chỉnh tư duy nhằm đảm bảo cân đối giữa phát triển không gian đô thị, chỉnh trang đô thị với bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử trên địa bàn.
“Trường hợp làng cổ Nam Ô là một ví dụ sinh động. Sở VH-TT TP cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử vốn rất hiếm hoi của TP, đừng để mang tiếng là “TP không ký ức”. Tuy nhiên, ngần ấy nỗ lực vẫn chưa đủ để những di sản văn hóa vật thể cần bảo tồn có thể được bảo tồn, vẫn chưa đủ để đảm bảo trong tương lai không còn diễn ra các trường hợp đáng tiếc, đáng buồn như trường hợp Ủy ban MTTQ TP tại số 70 Bạch Đằng (được xây từ thời Pháp - PV) đã bị tháo dỡ”, ông Tiếng nói.
Kiến trúc sư (KTS) Trương Văn Ngọc, Chánh văn phòng Hội KTS TP.Đà Nẵng, cho hay cách đây không lâu, Sở Xây dựng TP triển khai lập đề tài bảo tồn công trình cũ. Ông Ngọc cũng bày tỏ sự tiếc nuối: “Sau khi làm xong đề tài thì các công trình đã bị tháo dỡ gần hết. Các công trình cũ của Pháp hình như không bảo tồn được cái nào. Đà Nẵng đang mất đi những di sản văn hóa, mất đi dấu ấn một thời kỳ phát triển đô thị…”.
TS-KTS Phạm Phú Phong, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, nhìn nhận công tác bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, đặc thù còn bị xem nhẹ. Ông kiến nghị TP cần phát triển theo chiều sâu và phải xem phát triển văn hóa, văn minh đô thị là nhiệm vụ quan trọng. TP đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung là cơ hội rà soát, bổ sung quy hoạch tiêu chí phát triển bền vững, quỹ đất cho văn hóa, quảng trường, không gian lễ hội lớn nhằm bảo tồn văn hóa phi vật thể của TP. Ông nhấn mạnh việc cần quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, các công trình đặc thù, đặc trưng trong các giai đoạn phát triển Đà Nẵng. Cùng quan điểm,
TS-KTS Tô Văn Hùng, Chủ tịch Hội KTS TP.Đà Nẵng, cho rằng cần chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, bổ sung không gian công cộng, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa bản địa...
Bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP), cho rằng cần thay đổi tư duy, chuyển hướng phát triển TP theo chiều sâu, tuyên truyền giáo dục ý thức, giáo dục cho học sinh về bảo tồn di sản văn hóa trong tương lai…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.