Thời gian qua, rất nhiều vụ việc khiếu kiện kéo dài, đông người, thậm chí xảy ra xung đột giữa người dân với chính quyền... mà xuất phát chỉ là mâu thuẫn nhỏ.
Người dân Sầm Sơn tại buổi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa vào sáng 7.3.2016 - Ảnh: Ngọc Minh |
Chung quanh vấn đề này, trả lời PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư - Thanh tra Chính phủ, cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng là ngay từ đầu chính quyền cơ sở đã không dành thời gian đối thoại, lắng nghe dân để giải quyết thấu đáo vụ việc.
Ông Nguyễn Hồng Điệp - Ảnh: Thái Sơn
|
Nhiều nơi tiếp dân rất hình thức
Ông đánh giá như thế nào về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 528 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài đã giải quyết thành công. Ngoài ra, chúng tôi đã ban hành Kế hoạch 2100 để các địa phương tự rà soát các vụ việc tồn đọng. Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư cũng có chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nên trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, lãnh đạo địa phương được nâng cao. Từ đó công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại thực hiện có bài bản hơn. Tiếp công dân đã được gắn với giải quyết, tăng cường đối thoại ngay tại cơ sở.
Có thể nói trên phạm vi cả nước trong những năm vừa qua tình hình khiếu nại giảm nhưng các đoàn đông người kéo lên T.Ư lại tăng, đây là điều khá đặc biệt. Qua đánh giá chúng tôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Có lý do là địa phương đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân thấy chưa hài lòng, chưa đồng ý. Cũng có nguyên nhân nữa là bị thế lực xấu kích động, lôi kéo lên T.Ư để gây áp lực và cũng có nguyên nhân chính quyền địa phương giải quyết không đúng, để lâu nên bà con bức xúc kéo lên đây.
Thực tế cho thấy có nhiều vụ việc ở địa phương có thể giải quyết được nhưng họ không làm hoặc cách giải quyết của họ đã khiến dân bức xúc phải lên T.Ư...
Từ kết quả kiểm tra công tác tiếp dân ở một số địa phương, chúng tôi thấy rằng còn có nhiều nơi cán bộ tiếp dân hình thức, thậm chí còn thách thức người dân, không gắn với giải quyết. Rồi việc giải quyết khiếu nại lần đầu chất lượng rất kém, thậm chí có tâm lý kiểu gì người ta cũng khiếu kiện nữa nên giải quyết cho xong chuyện... Khi dân đã không tin tưởng vào cán bộ cơ sở thì họ lại kéo lên T.Ư thôi. Có rất nhiều vụ việc như thế, chẳng hạn như vụ việc khiếu nại kéo dài ở chung cư 93 Lò Đúc, TP.Hà Nội. Mâu thuẫn ban đầu là chủ đầu tư xây dựng một số công trình trái phép phạm vào diện tích chung khiến một số cư dân không đồng thuận. Đáng lẽ chính quyền cơ sở phải giải quyết ngay từ đầu, phải đứng ra làm trọng tài để giải quyết tranh chấp thì lại không làm, dẫn đến chuyện người dân liên tục tố cáo chính quyền bao che cho sai phạm, lên tới Tổng thanh tra Chính phủ. Từ một tranh chấp nhỏ đã đẩy người dân thành đối đầu với chính quyền. Đây là điều không bao giờ nên làm.
Hay như vụ khiếu nại ở Sầm Sơn, Thanh Hóa mới đây cũng thế. Nếu ngay từ đầu chính quyền vào cuộc, chịu khó đối thoại với dân thì đã không xảy ra tình hình phức tạp như vậy. Đó là những bài học kinh nghiệm mà người làm công tác tiếp dân phải luôn ghi nhớ.
|
Trách nhiệm tiếp công dân đã được quy định rõ trong luật Tiếp công dân, nhưng người dân vẫn than phiền gặp được người có thẩm quyền, nhất là người đứng đầu rất khó, ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Việc tiếp dân của ông chủ tịch UBND tỉnh, người đứng đầu địa phương rất quan trọng, bởi có thể giải quyết được ngay vụ việc chứ không lại lòng vòng mất thời gian. Đã có không ít trường hợp người dân gặp phó chủ tịch UBND tỉnh, cũng là ủy viên dự khuyết T.Ư thì nói luôn ông có tiếp kiểu gì rồi cũng về xin ý kiến chủ tịch, làm mất thời gian của chúng tôi. Trong cuộc làm việc mới đây tại trụ sở Tiếp công dân T.Ư, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo nhiều nội dung mà chúng tôi thấy rất tâm đắc, đó là tiếp dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm của cán bộ với người dân và đặt mình vào vị trí, tâm thế của dân thì công tác tiếp dân mới tốt lên được.
Là những người làm công tác tiếp dân lâu năm, chúng tôi thấy rằng tiếp dân không chỉ đơn thuần là giải quyết một công việc nào đấy, hay làm định kỳ cho đúng luật là xong, mà tiếp dân còn là để người dân tham gia ý kiến về việc xây dựng chủ trương của chính quyền, chủ trương của T.Ư. Tiếp dân để lắng nghe dân, để dân dạy cho nhiều điều. Rất nhiều dự án thu hồi đất đai để hoang mà dân không còn tư liệu sản xuất. Tiếp dân để biết mà thanh tra xem tại sao dự án không thành công, từ đó cân nhắc việc cho phép những dự án khác như vậy triển khai trên địa bàn, chứ không thể nhà để hoang, đất hoang còn đó mà vẫn triển khai nữa. Ông là lãnh đạo nhưng quê không ở đó thì không biết chỗ đất này sau khi dồn điền đổi thửa thì phải trồng loại cây nào, trong khi mảnh đất đó người dân sống cả đời ở đó, không chỉ là giá trị mà còn gắn với tình cảm, tâm linh của họ.
Tiếp dân thì dân mới phản ánh cho cán bộ của anh thế này, trình độ năng lực chuyên môn thế kia. Đấy chính là xây dựng chính quyền.
Các cuộc thanh tra trách nhiệm thời gian qua cho thấy có rất nhiều lãnh đạo ở địa phương “lười” tiếp dân nhưng hình thức xử lý chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm, điều này khiến người dân rất bức xúc. Tình trạng này tới đây sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?
Trong cuộc họp triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2016, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá việc này và yêu cầu phải có biện pháp xử lý. Mới đây, Bộ Chính trị cũng đã giao cho Ban Nội chính T.Ư phối hợp Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn liên ngành kiểm tra trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 35 và hiện nay chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để thực hiện. Tôi cho rằng chỉ cần thực hiện đúng các nội dung trong Chỉ thị 35 thì đã nâng cao trách nhiệm rất nhiều, trong đó lấy hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại để làm cơ sở đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, khen thưởng cán bộ... Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất nếu người đứng đầu vi phạm về tiếp dân thì phải công khai cho người dân biết. Đây là một trong những chế tài không có trong luật, nhưng tôi làm nhiều năm công tác này thấy rằng phải công khai tên tuổi của người đó ra để dân biết và giám sát.
Bên cạnh đó, các địa phương có nhiều đoàn khiếu nại đông người, phức tạp, Ban Tiếp công dân T.Ư sẽ đề xuất thanh tra. Thanh tra trách nhiệm thủ trưởng về giải quyết khiếu nại là một việc nhưng có thể thanh tra luôn việc giải quyết vụ việc cụ thể. Ví dụ như các địa phương có những vụ khiếu nại đông người bức xúc mà cứ đẩy lên T.Ư thì sẽ thanh tra quá trình giải quyết vụ việc đó để xem địa phương giải quyết đúng hay chưa. Thanh tra trách nhiệm là một phần nhưng đồng thời báo cáo, kiến nghị với T.Ư, Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc địa phương đã giải quyết đúng luật rồi nhưng kết luận giải quyết không phù hợp với thực tế thì phải xem lại. Giải quyết đúng luật rồi nhưng người dân còn thấy bức xúc, thiệt thòi và đời sống của họ còn khó khăn thì phải có chính sách an sinh xã hội khác, thậm chí phải báo cáo xin Quốc hội, Chính phủ, phải kiến nghị điều chỉnh, bởi tất cả đều phải phục vụ cho người dân.
Mời luật sư tham gia tiếp dân
Năm 2015, từ sáng kiến của Ban Tiếp công dân T.Ư, Liên đoàn Luật sư VN đã triển khai phối hợp, tổ chức 100 luật sư tới trụ sở Tiếp công dân T.Ư để tư vấn trực tiếp cho người dân. Tại đây, các luật sư được bố trí một phòng riêng để làm việc và tiếp cận người dân, nhằm tư vấn pháp luật liên quan đến khiếu nại tố cáo. Ban Tiếp công dân T.Ư và Liên đoàn Luật sư VN cũng đã quy ước luật sư khi đã tư vấn vụ việc nào rồi thì phải theo dõi suốt quá trình giải quyết vụ việc đó, hỗ trợ miễn phí và không được mời người dân ra ngoài để ký hợp đồng. Nếu vi phạm, sẽ bị Liên đoàn Luật sư VN kỷ luật.
|
Bình luận (0)