Đừng để đào tạo trẻ của HAGL ngày càng mất chỗ đứng

18/12/2023 18:11 GMT+7

Sau lứa Công Phượng làm mưa làm gió ở sân chơi trẻ những năm 2013 - 2017, từ đó đến nay, các tuyến trẻ của lò đào tạo HAGL gần như không còn chỗ đứng ở sân chơi các lứa tuổi U nên việc bổ sung cho đội lớn cũng khập khiễng.

Mất dần sức mạnh vốn có

Có một thời bóng đá trẻ HAGL rất mạnh như những năm 2014 - 2018, thành tích trong nước ngang ngửa với Sông Lam Nghệ An, Viettel và chỉ đứng sau Hà Nội về số lần giành ngôi vị cao nhất. Như năm 2016, U.21 HAGL giành hạng ba tại Quảng Ninh và 1 năm sau lên ngôi vô địch ở Bình Dương hay đoạt huy chương đồng ở Huế năm 2018. 

Còn ở các giải quốc tế, HAGL giành 2 ngôi vô địch U.21 năm 2014 ở Cần Thơ sau khi thắng đội tuyển chọn Thái Lan ở trận chung kết và năm 2015 thắng U.19 Hàn Quốc ngay trên sân Thống Nhất. Năm 2016, HAGL cũng giành hạng ba sau khi thua Yokohama (Nhật Bản) ở bán kết. Nói chung đó là giai đoạn cực thịnh của bóng đá trẻ HAGL. Họ đi đến đâu là được đông đảo người xem đi theo ủng hộ nhiều đến đó và tạo nên niềm tin to lớn về sự trưởng thành của bóng đá trẻ Việt Nam.

Đừng để đào tạo trẻ của HAGL ngày càng mất chỗ đứng - Ảnh 1.

Công Phượng (giữa) từng nổi bật khi cùng U.21 HAGL chơi ngang ngửa với U.21 Yokohama (Nhật Bản)

Khả Hòa

Nhưng từ năm 2019 đến nay bóng đá trẻ HAGL khựng lại nếu không muốn nói là tuột dốc. Họ cũng có vài giải có huy chương như á quân U.19 năm 2019, 2020; hạng ba U.21 năm 2021 nhưng nhìn chung là không còn sức thuyết phục lớn như trước. 

Nguyên nhân chính là chất lượng cầu thủ của các khóa sau HAGL không có ai thực sự nổi bật, gây ấn tượng như lớp trước. Một vài cái tên được kỳ vọng như Lê Minh Bình, Trần Bảo Toàn, Dụng Quang Nho, Huỳnh Tiến Đạt, Nguyễn Thanh Khôi, Phan Du Học, Võ Đình Lâm hay sau đó như Cao Hoàng Tú, Lê Hữu Phước, Nguyễn Nhĩ Khang đều không bật lên được. Có người nổi lên qua 1-2 giải đấu nhưng sau đó lại chìm nghỉm ở sân chơi khác. Có người được tăng cường qua đội khác khi trở về thì "mất hút" không còn chỗ đứng trong đội hình.

Highlight CLB Sông Lam Nghệ An - CLB LPBank HAGL | Vòng 6 V-League 2023-2024

Trong khi đó lứa chuyển tiếp giữa thế hệ vàng Công Phượng, Tuấn Anh với lứa của Minh Bình, Bảo Toàn, lại ít được sử dụng khiến tài năng bị mai một. Như Triệu Việt Hưng, Lương Hoàng Nam, Hoàng Thanh Tùng, Trần Thanh Sơn, Đinh Thanh Bình, Lê Phạm Thành Long đâu phải là kém nhưng họ không được HLV tin tưởng giao trách nhiệm hoặc do tự ti khi chưa thể cạnh tranh được với nhóm của Văn Toàn nên ý chí phấn đấu vào thời điểm đó bị giảm sút. Khi Việt Hưng, Hoàng Nam, Thành Long đi đội khác như ở Hải Phòng, Thanh Hóa hoặc Công an Hà Nội gần đây, họ đã khẳng định được tên tuổi của mình. Điều đó cho thấy việc sử dụng người ở HAGL từ lứa đào tạo của mình thực sự chưa tạo nên sức bật.

Đừng để đào tạo trẻ của HAGL ngày càng mất chỗ đứng - Ảnh 2.

Lứa U.21 HAGL với Việt Hưng, Thanh Bình, Thanh Tùng, Hồng Duy, Ngọc Quang từng vô địch U.21 năm 2017 tại Bình Dương

Khả Hòa

Còn lứa sau đó do thầy Giôm tiếp tục đào tạo, HAGL lại phối hợp chuyển giao cho Học viện Nutifood. Các cầu thủ trong lứa này có Nguyễn Quốc Việt sớm nổi lên từng vô địch U.21 năm 2021 và á quân U.19 năm 2021 giờ quay về lại đội bóng phố núi, số khác thì đá mãi vẫn chưa lớn nên cuối cùng dạt về Bà Rịa - Vũng Tàu. Lứa kế tiếp nữa giao HLV Chu Ngọc Cảnh, giờ trở thành đội hạng ba Kon Tum. Thành thử các tuyến trẻ HAGL ngày càng không còn đủ sức mạnh cạnh tranh cần thiết ở các giải U trong nước. Bằng chứng là giải U.21 vừa qua, HAGL mất dạng trên bản đồ bóng đá trẻ.

Đừng để đào tạo trẻ của HAGL ngày càng mất chỗ đứng - Ảnh 3.

Nguyễn Quốc Việt, "Vua giải trẻ" còn cần phải khẳng định nhiều hơn

Khả Hòa

Phải làm lại thì đội lớn mới bật lên được

Một trong những nguyên nhân khiến cho đội HAGL sa sút ở V-League hiện nay chính là do lực lượng kế thừa mỏng, đội hình thiếu chiều sâu, còn khoảng cách quá lớn giữa cầu thủ đá chính và dự bị. 

HLV Kiatisak trong tay không có nhiều chọn lựa khi xây dựng bộ khung và thiếu hẳn sự cạnh tranh từ các nhân tố trẻ nên cứ mỗi trận đấu chưa ra sân ai cũng biết gần như đầy đủ đội hình của HAGL và đối thủ cũng không quá khó để bắt bài cách chơi của đoàn quân phố núi. Chính Zico Thái cũng thừa nhận ông không thể xoay xở được khi con người trong tay chỉ bấy nhiêu, không thể làm khác được. Và mỗi khi đưa một hai người trẻ vào thì ông lo nhiều hơn khi kinh nghiệm, tâm lý thi đấu còn kém hơn là đặt niềm tin vào sức trẻ, sự nhiệt huyết của họ.

Đừng để đào tạo trẻ của HAGL ngày càng mất chỗ đứng - Ảnh 4.

Thầy Giôm làm trẻ tốt nhưng cần những HLV giỏi hơn về chiến thuật

Khả Hòa

Đó là câu chuyện đau lòng hiện nay ở HAGL. Cho dù bầu Thụy cùng LPBank có bơm tiền vào thì cùng lắm chỉ nâng chất thêm ngoại binh trong mùa bóng, chứ đào tạo trẻ không thể một sớm một chiều thay đổi được. Thế nên HAGL cần thời gian, cần phải làm lại chiến lược tạo nguồn kế thừa một cách căn cơ. Quan trọng là họ phải xây dựng lại hệ thống tuyển chọn một cách khoa học hơn, chú trọng đào tạo toàn diện từ sức mạnh thể chất đến tư duy chiến thuật, chứ không nên chỉ mạnh về kỹ thuật hay chỉ biết tấn công mà không tham gia phòng ngự.

Thuận lợi cho HAGL là cơ ngơi có sẵn với Trung tâm Hàm Rồng quá đầy đủ cơ sở vật chất nên đội bóng phố núi cần thay đổi cách tuyển chọn đầu vào để tạo ra những chiến binh thực thụ. Từng có giai đoạn nhiều ông thầy làm trẻ của HAGL đã lặn lội đến các vùng sâu vùng xa, đứng nắng hàng tiếng đồng hồ để nhìn cho ra được các tài năng dù khi đó họ chỉ chú trọng nhiều về kỹ thuật. Lần này cần lắm những yêu cầu cao hơn và những đánh giá sát sườn với thực tế hơn để có được nguồn kế cận đủ mạnh. 

Đừng để đào tạo trẻ của HAGL ngày càng mất chỗ đứng - Ảnh 5.

Lứa trẻ giành hạng ba U.21 tại sân PVF năm 2021

Khả Hòa

Quan trọng là khi đã có nguồn tiền từ LPBank phía sau thì HAGL cần thay đổi tư duy tuyển chọn để đào tạo ra những lứa tài năng mới thật giỏi. Phải có những mầm xanh chất lượng như kiểu của PVF hay Hà Nội từng đào tạo thời gian gần đây, HAGL mới mong mới bật lên được. Khi đó đội 1 nếu may mắn trụ hạng mùa này, sẽ có bàn đạp để vài mùa sau nhận được nguồn cung đủ mạnh, đáp ứng ở sân chơi đỉnh cao lâu dài, duy trì được thương hiệu và thế đứng mà bầu Đức đã tạo dựng hơn 20 năm qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.