Đừng để di tích chết vì tư duy 'quốc hữu hoá'

11/04/2020 21:47 GMT+7

Câu chuyện gia đình chủ quán Phở Bình, số 7 Lý Chính Thắng, TP.HCM muốn trả lại bằng di tích lịch sử cấp quốc gia đăng trên Báo Thanh Niên khiến tôi không thể hiểu vì sao một việc nhỏ như vậy mà thành phố có tiềm lực kinh tế lớn nhất nước không giải quyết kịp thời.

Mới đây,  Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền đã có văn bản đề nghị Sở Văn hoá-Thể thao TP.HCM  tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét chỉ đạo việc hoán đổi nhà đất cho chủ sở hữu nhà số 7 Lý Chính Thắng là ông Ngô Văn Lập, tạo điều kiện để bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị của di tích. Một lần nữa, “trái bóng” được đưa lại các cấp quản lý của thành phố này.
Ở Sài Gòn xưa, quán Phở Bình từng được xem như địa chỉ ẩm thực “danh bất hư truyền” Quán do vợ chồng ông Ngô Toại mở và bây giờ các con đang nối nghiệp. Đây từng là nơi tập kết chiến sĩ biệt động Sài Gòn để chờ hiệu lệnh nổ súng trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân,1968. Hiện tại, 16 người con và cháu ông Ngô Toại đều sống nhờ vào quán phở gia truyền của ông cha để lại nên điều kiện ăn ở rất khó khăn, chật chội do đã giành hẳn một lầu cho việc trưng bày hiện vật di tích.
Tôi được biết, với tấm lòng yêu nước và cũng muốn để lưu giữ lại ký ức vẻ vang về đồng chí, đồng đội mình, ông Ngô Toại đã đề xuất với thành phố biến nơi đây thành một di tích cách mạng cho thế hệ mai sau. Nhưng các cấp chính quyền lại nghĩ rằng, phàm đã là “di sản văn hoá” thì không thể cấp sổ đỏ cho gia đình. Người ta mặc nhiên xem đây là tài sản đã 'quốc hữu hoá'. Đó là điều rất phi lý. Thực chất, đây là cách nhìn sai lệch từ địa phương chứ không phải chủ trương của Nhà nước.
PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản, hiện là Phó chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cho biết , chính ông đã gặp, nói chuyện với chủ quán Phở Bình nhiều lần khi ông còn đương chức. Cũng chính ông là người đã khích lệ chủ quán làm thủ tục xếp hạng di tích quốc gia với ngôi nhà của mình.
“Tôi khích lệ nhưng quan trọng là ông ấy yêu cách mạng, yêu đồng đội nên mới giữ lại kỷ niệm với đồng đội, đồng thời cũng là tự hào của mình. Nghĩa là vẫn là sở hữu của người ta. Nếu muốn sửa thì vẫn có quyền sửa chữa, chỉ giữ lại không gian có nắp hầm chui xuống chẳng hạn thôi. Không phải là quốc hữu hóa”, ông Bài nói với phóng viên Báo Thanh Niên .
Vì thế, ông Bài cũng rất thắc mắc về việc làm sổ đỏ cho ngôi nhà. “Tại sao lại không làm được? Đấy là do cơ quan quản lý nhà nước không nắm được luật. Sở hữu tư nhân là sở hữu tư nhân. Còn xếp hạng là đặt dưới sự bảo hộ của nhà nước về mặt luật pháp chứ không phải là xếp hạng di tích tư nhân là nhà nước hóa cái nhà đấy”, ông Bài nói.
Theo ông Bài, có thể Nhà nước đền bù một địa điểm khác kèm thêm một số tiền, hoặc có thể mua lại ngôi nhà nếu chủ sở hữu muốn bán. “Mình phải làm từ nguyện vọng của người dân. Chứ nếu không trường hợp này không mở thừa kế được, không thế chấp vay vốn ngân hàng được thì sẽ xảy ra chuyện đến lúc chả ai muốn xếp hạng di tích tư nhân nữa. Thế thì việc xếp hạng từ niềm tự hào trở thành nỗi khổ”, ông Bài bày tỏ trong sự cảm thông của người làm văn hoá ở tầm vĩ mô .
Tôi cho rằng, đề xuất Nhà nước nên hoán đổi cho gia đình con cháu ông Ngô Toại một căn nhà bên cạnh đó ( nếu được) là giải pháp hay nhất bởi mấy lẽ rất đơn giản: gia đình họ sẽ có điều kiện sang chăm nom, giới thiệu cho du khách trên tinh thần hỗ trợ tài chính chút đỉnh để khỏi thêm biên chế cồng kềnh; thứ nữa, địa chỉ di tích này trong chiến tranh được gắn với vỏ bọc là chính quán phở tên Bình. Vậy thì nó sẽ rất thú vị và sống động nếu quán phở nói trên hoạt động như nó vốn có. Ông Ngô Toại nay đã đi xa thì các con ông họ sẽ duy trì nó và đó là điều tốt cho cả hai . Một “bảo tàng sống” sẽ thú vị , sinh động hơn nhiều nếu so với những gì thuộc quá khứ chỉ toàn là hiện vật thuần tuý.

Chuyện 25 năm về trước và tầm nhìn của người lãnh đạo

Nhân đây tôi xin kể lại một câu chuyện cũ về việc quản lý di sản để bảo tồn và phát triển ra sao thì sẽ hiệu quả nhất. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, lúc đó là cụ quả phụ Trịnh Văn Bô- Hoàng Thị Minh Hồ có đệ đơn lên Đảng và Chính phủ để xin lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, Hà Nội. Đây là ngôi biệt thự của gia đình cụ được Bộ Quốc phòng ngỏ lời “mượn 2 năm sau sẽ trả”. Việc mượn nhà xảy ra khi hoà bình mới lập lại năm 1954 tại miền Bắc, lý do mượn là để tiện cho Đại tướng Hoàng Văn Thái vào Tổng hành dinh làm việc hàng ngày,  trong lúc đất nước chưa hết chiến tranh.
Nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô là chủ hãng tơ, lụa, sợi nổi tiếng Trịnh Phúc Lợi ở Hà Nội trước năm 1945. Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô bí mật nhận lời với Cách mạng đón đoàn cán bộ (mà không hề biết có cả lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) từ chiến khu về ở ngay tại tư gia mình, số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, ngay sau ít ngày Tổng khởi nghĩa thành công. Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô đã hiến 5.147 lượng vàng cho Nhà nước kể từ sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngoài hiến vàng, họ còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, trị giá hàng trăm tỉ đồng theo thời giá bây giờ, để làm Nhà lưu niệm ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Có thể coi các cụ là một hình mẫu doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, một lòng một dạ phụng sự nền độc lập, tự do của dân tộc, dám hi sinh quyền lợi bản thân mà bất chấp hiểm nguy.
Trong số hàng chục lá đơn xin lại nhà, có một bức gửi lên ông Đỗ Mười, khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng). Ông Trịnh Cần Chính, con trai hai cụ Trịnh Văn Bô-Hoàng Thị Minh Hồ kể rằng: năm 1992, với tư cách là Tổng bí thư Đảng sau một nhiệm kì là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Đỗ Mười vẫn rất trăn trở chuyện trả nhà cho gia đình cụ Bô. Trong một lần gặp để nghe cụ Hoàng Thị Minh Hồ trình bày nguyện vọng, Tổng bí thư Đỗ Mười nảy ra một suy nghĩ rất lạ và phải nói là rất sáng tạo. Ông nói đại ý: Tôi đề xuất thế này có được không, chị Bô nghe nhé. Hay là bây giờ chị trở về ngôi nhà 48 Hàng Ngang rồi khôi phục lại hình ảnh ngày xưa gia đình chị kinh doanh tơ lụa ra sao. Một phần, chị giúp cho tài chính Đảng có thêm nguồn thu (Nên nhớ đây là thời điểm hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu tan rã, Việt Nam cũng gặp vô vàn khó khăn về kinh tế - NV). Bên cạnh đó, khi du khách đến tham quan Nhà lưu niệm, họ có dịp được gặp, nghe chị kể chuyện xưa thế nào thì di tích càng có ý nghĩa và sống động hơn vô vàn những hiện vật trưng bày. 
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đã trả lời: Tôi nhất trí với anh việc này và tôi hứa sẽ giúp. Song việc nào nên ra việc đó. Việc tôi xin lại nhà 34 Hoàng Diệu là để giữ đúng lời cam kết của Nhà nước đã mượn nhà tôi...
Văn phòng Trung ương Đảng lập tức soạn thảo một văn bản truyền đạt ý kiến của Tổng bí thư Đỗ Mười xuống Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Thế Duyệt. Ông Duyệt giao việc này cho Phó bí thư Thành uỷ Lê Xuân Tùng xem xét, xử lý.  Nhưng sau đó, lãnh đạo Hà Nội viện dẫn khó khăn, không thực hiện ý kiến của Tổng bí thư Đỗ Mười. Thực chất, Thành uỷ Hà Nội đã hiểu lầm tinh thần của Tổng bí thư là muốn thu lại hết diện tích hơn 500 mét vuông nối thông từ 48 Hàng Ngang sang số 35 phố Hàng Cân (nhà này có 3 khối với 2 sân giữa). Lúc đó, khối nhà bên 35 phố Hàng Cân đang là trụ sở Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm. Lãnh đạo Hà Nội dẫn chuyện này ra để giải trình rằng nơi này đang là nơi làm việc của 800 cán bộ, nhân viên thuế, nơi tạo nguồn thu ngân sách quan trọng, nếu trả lại thì sẽ không có chỗ làm việc... Trong khi đó, Tổng bí thư Đỗ Mười chỉ gợi ý là dùng mấy tầng của riêng khối nhà mặt trước 48 Hàng Ngang giao cho cụ Bô nhằm phục hồi cửa hàng kinh doanh tơ lụa một thời vàng son của Hà Nội đầu thế kỉ 20 mà thôi. Sự việc không đi đến hồi kết cũng bởi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ không đi gặp ai để tác động, giải thích, xin xỏ gì thêm. 
Tuy nhiên, đến khoảng năm 2015, chính Sở Văn hoá-Thể thao Hà Nội lại ngỏ lời mời cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ chấp nhận một đề xuất y hệt như ý tưởng của Tổng bí thư Đỗ Mười. Mong muốn của thành phố là di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập sẽ sống động hon khi có nhân chứng sống là cụ quả phụ Trịnh Văn Bô giới thiệu ngôi nhà với khách tham quan. Đó chắc chắn sẽ là một câu chuyện đặc biệt sống động... Tiếc thay, khi đó cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ không còn khoẻ nữa, đi lại khó khăn. Chỉ 2 năm sau đó, lúc bước vào tuổi 104, cụ đã trở thành người thiên cổ trong sự tiếc thương và biết ơn của mọi người. 
Câu chuyện này, ngoài việc cho thấy tầm nhìn văn hoá của cố Tổng bí thư Đỗ Mười, còn nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ để một bảo tàng, một di tích "chết" nếu còn chưa quá muộn. Xin đừng để thấy cảnh chủ nhân của di tích đệ đơn trả lại bằng công nhận cho Nhà nước vì bị thiệt thòi quá nhiều, như chuyện từng xảy ra vài năm trước với bà con làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Điều rất buồn cho một đất nước mấy ngàn năm văn hiến. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.