Như Thanh Niên thông tin, các nhóm xích lô “chặt chém” ở Sài Gòn thường túc trực ở khu vực chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện (Q.1), luôn chèo kéo, gạ gẫm du khách nước ngoài với giá cước mềm nhưng khi kết thúc chuyến đi thì “chém đẹp”, buộc phải trả cao gấp nhiều lần. Thực trạng trên gây mất an ninh trật tự và ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch TP.HCM cũng như hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Cưỡng đoạt tài sản chứ "chặt chém" gì
"Chúng ta nên chấm dứt hoặc cấp phép và niêm yết giá cước để quản lý tốt hơn dịch vụ này. Một TP văn minh không cho phép tồn tại kiểu "chặt chém" như thế đối với du khách nước ngoài. Chúng ta phải mạnh tay thì mới đẩy lùi được tệ nạn này", BĐ Thanh (TP.HCM) đề nghị.
"Quá bức xúc! Hình ảnh thân thiện của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã bị những kẻ xích lô "chặt chém" này bôi bẩn rồi, cần lắm sự mạnh tay của cơ quan chức năng để đem lại vẻ đẹp cho TP", BĐ Lê Hoàng Hùng (Long An) ý kiến. Cùng quan điểm, BĐ Dương Văn Tuấn (Hà Nội) cho rằng: "Chuyện "chặt chém" sẽ lan truyền trên mạng xã hội khắp thế giới và du khách sẽ tẩy chay du lịch TP".
Tại sao không dẹp được tệ nạn này ?
"Tại sao không dẹp được tình trạng này? Đây là hành vi lừa gạt chiếm đoạt tài sản. Có chứng cứ có thể bắt nguội và đưa ra tòa xử. Không làm những vụ điển hình này thì tình trạng du khách nước ngoài một đi sẽ không trở lại", BĐ Tuấn Anh (TP.HCM) ý kiến.
Trong khi đó, BĐ Việt Linh (TP.HCM) nêu quan điểm: "Phải tăng cường thêm các biện pháp như quảng bá các dịch vụ xích lô an toàn, được cấp phép, tài xế xích lô phải đăng ký, đeo bảng tên có hình ảnh để du khách dễ nhận diện, dán số hotline lên mỗi chiếc xe... Phải làm sao cho dịch vụ xích lô này "có tóc" thì khách mới "nắm" được, chứ "trọc lóc" như hiện tại thì làm sao quản lý. Điều quan trọng là phải quản lý chứ không phải khi sự việc xảy ra rồi mới báo công an. Tôi không tin là chúng ta thiếu biện pháp quản lý, cái thiếu là thiếu quyết liệt, làm triệt để, làm tới cùng vì mục tiêu phát triển du lịch TP".
Bình luận (0)