Như Thanh Niên đã thông tin, chiều 15.11, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết số F0 đang điều trị tại nhà ở TP.HCM là hơn 47.000 trên tổng hơn 64.000 ca nhiễm, chiếm tỷ lệ 73%. Trước thực trạng này, ngành y tế đang tính toán việc tăng cường trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 tại nhà, tái lập các khu cách ly tập trung tại quận, huyện.
Phát thuốc cho F0 cách ly tại nhà ở Q.Tân Bình, TP.HCM |
DUY TÍNH |
Về việc phát túi thuốc điều trị, Thanh Niên gần đây có bài phản ánh F0 điều trị tại nhà chậm được cấp phát thuốc Molnupiravir. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, qua nắm bắt thông tin thì có thực trạng như Báo Thanh Niên nêu, Sở Y tế đã có văn bản nhắc nhở địa phương, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá thực tế nhằm có giải pháp chấn chỉnh.
Covid-19 sáng 17.11: 1.045.397 ca nhiễm, 870.997 ca khỏi | TP.HCM cho nhiều ngành được hoạt động |
Người bệnh khó chờ “quy trình”
Theo bạn đọc (BĐ) Ngô Thế Hùng, thực trạng F0 tự test nhanh tại nhà chậm được y tế phường cấp các gói thuốc cần được cơ quan chức năng rà soát khẩn trương. “Nếu đó là nguyên nhân khách quan, liên quan đến quy trình, như cần phải có các thủ tục hành chính mới được cấp phát, thì đẩy nhanh thủ tục theo hướng đơn giản hơn. Bởi lẽ, người bệnh khó có thể kiên nhẫn để chờ “quy trình”.
Ngoài trường hợp khách quan như vừa nêu, cần làm rõ trong việc chậm trễ ấy, có trách nhiệm của y tế cơ sở hay không? Có đúng thật là người dân đã phản ánh rồi, nhưng y tế phường, địa phương không cấp thuốc hay không? Nếu đó là lỗi chủ quan hoặc cố tình chây ỳ của một số người có trách nhiệm thì phải xử lý nghiêm”, BĐ này kiến nghị.
BĐ Lam Ngọc dẫn thông tin lãnh đạo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM hôm 15.11 cho biết “số F0 đang điều trị tại nhà ở TP.HCM hơn 47.000 trên tổng hơn 64.000 ca nhiễm, chiếm tỷ lệ 73%” và “ngành y tế đang tính toán việc tăng cường trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 tại nhà, tái lập các khu cách ly tập trung tại quận, huyện” để nhấn mạnh: “Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc các gói thuốc cần thiết phải đến được tay người bệnh một cách kịp thời. Bởi một trong những chiến lược hiện nay của ngành y tế là cố gắng không để F0 được điều trị tại nhà có diễn tiến nặng dẫn đến phải chuyển viện. Muốn làm được điều đó, đường dây nóng của hệ thống y tế cơ sở phải thực sự nóng, chứ đường dây nóng mà người dân gọi vào họa hoằn lắm mới có người nghe máy thì người dân không thể không bức xúc. Với tình hình dịch bệnh như hiện tại và số ca F0 có dấu hiệu gia tăng trở lại như cảnh báo của cơ quan chức năng, một trong những việc cần kíp hiện giờ là phải chấn chỉnh lại “đường dây nóng”.
Rà soát phân phối các gói thuốc
BĐ Bảo Oanh cho rằng lực lượng y tế là tuyến đầu về phòng chống dịch Covid-19, thời gian qua đã quá vất vả, nhiều hy sinh, chính quyền và nhân dân đều ghi nhận, tri ân. Thế nhưng, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận một số bất cập, nhất là đối với các trường hợp F0 cần đến gói thuốc điều trị nhưng chậm được cấp phát. “Đối với thuốc kháng vi rút Covid-19 Molnupiravir thuộc loại chỉ định dùng có điều kiện và khi sử dụng phải ký cam kết, cần phải rà soát kỹ hơn để ngăn ngừa thất thoát như trường hợp 2 nhân viên y tế đã móc nối, bán Molnupiravir loại 400 mg để trục lợi bất chính mà Cơ quan điều tra Công an Q.Bình Tân (TP.HCM) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào đầu tháng 10.2021”, BĐ này viết.
BĐ Ngọc Hiền gửi gắm: “Dịch bệnh đang phức tạp không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh, thành. Mong bà con hết sức cảnh giác, đừng chủ quan. Cũng rất mong nhân viên y tế tiếp tục chiến đấu mạnh mẽ để bảo vệ người dân. F0 khi đã gọi điện đến là họ tin tưởng và phó thác cho ngành y tế. Xin đừng để họ thất vọng trong lúc họ đang khó khăn”.
Việt Nam đã vượt mốc tiêm 100 triệu liều vắc xin Covid-19 |
Nếu thuốc có sẵn trong kho, theo tôi nên ra thẳng quy định trong vòng 2 giờ F0 phải được cấp thuốc; người nhà ra lấy nếu y tế thiếu người… Cứu người như cứu hỏa, sau 2 ngày bệnh chuyển biến nặng thì uống thuốc liệu còn hiệu quả không?
Tran Nguyen Ha
Mới sáng qua đột nhiên thấy nhà đối diện treo biển đỏ “Gia đình có F0 đang cách ly, điều trị tại nhà...” mà hết hồn. Lần này không thấy giăng dây, chỉ có biển đỏ thôi. Cứ nghĩ dịch đã qua rồi. Giờ thì phải tỉnh táo lại và tuân thủ 5K nghiêm ngặt, để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, để giảm tải đang còn nặng nề cho nhân viên y tế.
Văn Miến
Lực lượng y tế địa phương ít. Chỉ riêng việc trực tiếp chăm sóc F0 đã quá bận rồi. Nay lại phải kiêm tổng đài, kiêm nhân viên hành chính để thực hiện các thủ tục rườm rà xin cấp phát thuốc. Mong các lãnh đạo chịu khó suy nghĩ cắt bớt quy trình thủ tục và có giải pháp hỗ trợ, giảm tải các thủ tục rườm rà cho anh em y tế địa phương để họ có thể toàn tâm toàn ý chăm sóc cho F0.
Tri Tran Hao
Bình luận (0)