Đừng để học sinh 'ngán' lễ khai trường

10/08/2016 10:32 GMT+7

Ngày khai giảng, còn được gọi một cách trang trọng hơn là: “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Đối với học sinh chúng tôi, đó là một ngày hết sức quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu của một năm học, đặc biệt đối với học sinh lớp 1 thì đó là ngày bắt đầu việc học của cả đời người.
Vậy mà, ngày khai trường hiện nay đã không còn như tưởng tượng của chúng tôi.
Thông thường, đó là ngày chúng tôi gặp lại bạn bè, thầy cô sau mấy tháng hè xa cách với sự nôn nao, háo hức. Nhưng không biết từ lúc nào, đó không còn là ngày đầu tiên đi học nữa. Đã nhiều lần tôi tự hỏi mình, rằng có ngày khai giảng hình thức đó để làm gì?
Tôi còn nhớ ngày khai giảng năm lớp 8 của tôi, học sinh được yêu cầu tới trường vào giữa tháng 8 để nhận lớp và học liền sau đó. Kế đến, chúng tôi được tập trung lại để tập đi tập lại nhiều lần chuẩn bị cho lễ khai giảng vì theo như thầy cô bảo, phải tập để làm cho tốt vì có lãnh đạo của thành phố đến dự. Chúng tôi phải mệt nhoài vì phải đi đứng sao cho thẳng hàng, rồi được tập cầm cờ hoa và tập cả vỗ tay sao cho đều để chào đón đại biểu…
Rồi ngày khai giảng nhàm chán đó cũng đến. Học sinh chúng tôi phải đứng hàng giờ từ rất sớm giữa trời nắng, có bạn mồ hôi chảy đầm đìa đến ướt cả áo mới để rồi được nghe các vị lãnh đạo phát biểu năm nào cũng như năm ấy... Buổi lễ diễn ra quá dài dòng với nhiều nghi thức đã làm học sinh chúng tôi mất hết cảm xúc trong ngày khai giảng năm học mới.
Sau này được đi học ở New Zealand, tôi thấy ngày khai giảng thật sự là ngày đầu tiên đi học sau mấy tháng nghỉ hè. Vào lễ, thầy hiệu trưởng phát biểu trước toàn trường khoảng 5 phút, nội dung chỉ chúc học sinh cố gắng đạt được những gì mình mong muốn trong năm mới. Thế là xong và chúng tôi bắt đầu vào chương trình học ngay sau đó.
Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần đưa ngày khai trường ở VN về đúng với mục đích của nó, tức là ngắn gọn, trang trọng và thực chất. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.