Đừng để kinh tế thể thao chỉ là lý thuyết suông

07/11/2021 08:37 GMT+7

Thể thao Việt Nam hiện tại hầu như sống dựa vào “bầu sữa” của nhà nước mà chưa biết phát huy thế mạnh nguồn lực từ xã hội hóa.

Lần đầu tiên, kinh tế thể thao đã được Bộ VH-TT-DL đưa vào dự thảo chiến lược phát triển thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Một lãnh đạo ngành thể thao ở địa phương chia sẻ: “Công tác xã hội hóa thể thao bước đầu đã huy động được nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp và xã hội song hiệu quả thu được vẫn chưa cao. Nhiều nơi vẫn tồn tại tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước, dẫn tới thiếu chủ động, sáng tạo trong việc triển khai chủ trương xã hội hóa. Còn thiếu các cơ chế để “lấy thể thao nuôi thể thao” như kinh nghiệm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhìn sang Thái Lan hay Singapore, họ làm xã hội hóa thể thao cực tốt, mỗi năm thu về lợi nhuận khủng từ kinh tế thể thao. Còn chúng ta, hầu như các liên đoàn, hiệp hội thể thao chưa biết hoạt động thương mại, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội nên tư duy quản lý về thể thao còn chậm đổi mới. Hiện tại, chỉ có Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là làm kinh tế thể thao tương đối tốt, biết phối hợp với các doanh nghiệp để đem lại nguồn thu cho bóng đá. Mô hình kinh tế thể thao còn khá xa lạ tại Việt Nam. Thật sự lãng phí”.

Ông Mai Hồng Phong, giám đốc một công ty chuyên tổ chức các sự kiện thể thao, cho hay: “Kinh doanh thể thao là loại hình kinh doanh có điều kiện. Nhiều loại hình kinh doanh thể thao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận không cao, khó thu hút đầu tư nếu không có chính sách hỗ trợ. Suốt nhiều năm qua, cơ chế, chính sách đối với hoạt động kinh doanh, dịch vụ thể thao còn bất cập. Ngành thể thao nên rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư, tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thể dục thể thao. Cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và khai thác quỹ đất, sân bãi, công trình, tổ chức các dịch vụ thể thao. Đừng để kinh tế thể thao chỉ là lý thuyết suông trên giấy.

Tôi đi sang các nước thấy tổ hợp thể thao của họ kiếm tiền rất ác liệt bằng cách cho thuê mặt bằng làm các khu vui chơi, giải trí. Còn Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, vì công năng là chỉ được phép xây dựng công trình phục vụ thể thao nên rất lãng phí trong khi quỹ đất vẫn còn khá dồi dào. Đất thì để không, tiền thì không thu được. Tại sao không thay đổi cơ chế, tạo điều kiện để đơn vị này được cho thuê đất, thuê sân? Mới đây, Bộ VH-TT-DL cũng đã phê duyệt một phần nội dung đề án sử dụng tài sản công tại khu liên hợp. Đó là tín hiệu đáng mừng. Hay đề án cá cược bóng đá quốc tế hợp pháp cũng đã được phê duyệt và hiện cần chỉnh sửa thêm để phù hợp với thực tế. Nếu hoạt động tốt, quản lý tốt, hoạt động này sẽ giúp ngành có nguồn tái đầu tư phát triển thể dục thể thao”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.