Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, GDP quý 1.2017 chỉ đạt 5,1% là mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây có một lý do là do nhập siêu. Việc này lại bắt nguồn từ việc Tập đoàn Samsung thu hồi sản phẩm Galaxy Note 7 bị lỗi.
“Đây là một cảnh báo về việc nền kinh tế của Việt Nam dựa vào các tập đoàn lớn của nước ngoài. Khi họ có rủi ro là lập tức tác động GDP, đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, ĐB Ngân phân tích.
Để khắc phục vấn đề này, ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh quan điểm cần nâng cao độc lập tự chủ trong kinh tế, trong đó có vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân.
Theo ĐB Ngân, bối cảnh hiện tại đang có nhiều thuận lợi cho kinh tế tư nhân, như Nghị quyết T.Ư 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, Chính phủ có Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp... GDP TP.HCM trong quý 1.2017 đã tăng trưởng tới 7,46%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2016, trong đó có đóng góp chủ lực của thành phần kinh tế tư nhân.
“Điều đó cho thấy nếu kinh tế tư nhân được đầu tư đúng mức, được hỗ trợ sẽ đóng góp vào tăng trưởng”, ĐB Ngân khẳng định.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhắc lại thông tin Chính phủ đặt chỉ tiêu GDP 2017 là 6,7% và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ chỉ tiêu này, và cho rằng, việc đặt ra như thế chỉ để quyết tâm, vì nếu không đạt thì cũng không ai bị kỷ luật.
“Câu hỏi đặt ra là đánh giá phát triển cho chỉ số GDP đã lạc hậu rồi nhưng tại sao mình vẫn cắm đầu, cắm cổ vào chỉ số này? GDP muốn bao nhiêu phần trăm cũng được, nhưng cái giá phải trả là gì? Ví dụ như vấn đề môi trường, con người, trong dài hạn, các nước trả giá rất nhiều. Trung Quốc cũng đã nói họ đã phải trả giá đắt cho suốt 30 năm tăng trưởng cao”, ĐB Nghĩa dẫn chứng.
tin liên quan
Samsung 'hắt hơi', kinh tế Việt Nam 'sụt sùi'Hội Doanh nghiệp Hàng VN chất lượng cao vừa phối hợp với Đại học Fulbright tổ chức tọa đàm 'Đánh giá kinh tế VN 4 tháng đầu năm - nhận định các chính sách nổi bật của Chính phủ'.
“Chính phủ cần giải trình thêm về sự lựa chọn tăng trưởng của mình. Nếu tăng trưởng thấp hơn ở mức 6,3% nhưng hiệu quả cao, hiệu quả tốt, chăm sóc về mặt xã hội tốt hơn, bảo vệ tài nguyên, môi trường thì người dân cũng hoan nghênh”, ĐB Nghĩa bày tỏ quan điểm.
Đáng chú ý, theo ĐB này, về lĩnh vực xã hội hiện đang rất báo động nhưng báo cáo của Chính phủ chưa nói nhiều vấn đề này. Con số lạm phát trên báo cáo rất khác với lạm phát thực sự trong đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt ở các vùng miền xa xôi. Lạm phát đang tác động lớn vào bữa ăn người lao động. Đời sống công nhân các khu công nghiệp, các nhà máy rất khó khăn, vấn đề thực phẩm chất lượng kém, dịch vụ y tế tăng giá.
“Người dân rất lo lắng. Rồi từ những vấn đề này đẻ ra thất học, tệ nạn, tội phạm, nhưng cũng chưa thấy có giải pháp gì”, ĐB Nghĩa phản ánh.
Bình luận (0)