Đừng để 'lỗi nhịp' với việc học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

28/01/2023 06:05 GMT+7

Sau gần 2 tuần nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh không tránh khỏi tâm lý 'tiếc nuối', cơ thể rơi vào trạng thái uể oải. Chính vì vậy cần có sự khởi động để tạo hứng khởi cho ngày đầu tiên đi học trở lại trong năm mới.

Học sinh vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán

HOÀNG ĐỖ

Với học sinh bậc tiểu học, chưa gặp những áp lực về việc chuẩn bị kiến thức như học sinh ở bậc THCS, THPT nhưng vẫn cần sự chuẩn bị cho ngày trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, theo kiểu của trẻ con.

Theo giáo viên Võ Thị Thùy Linh, Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), học sinh ở lứa tuổi này rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Cha mẹ có thể nhẹ nhàng và tế nhị khuyến khích trẻ lấy lại động lực học tập bằng những câu chuyện vui, những nhắc nhở nho nhỏ như không nên chơi hoặc ngủ quá nhiều để không bị chây ì... "Nhưng cha mẹ đừng nên lấy việc học ra 'dọa' khiến trẻ rơi vào tâm lý chơi chưa đã mà đã phải đi học và cảm thấy nặng nề, chưa đi học mà đã thấy uể oải”, cô Thùy Linh lưu ý.

Đồng tình với quan điểm trên, phụ huynh Trương Nguyễn Hạnh Nguyên, có con gái học tại Trường tiểu học Âu Dương Lân (Q.8, TP.HCM), chia sẻ, những năm trước, chỉ cần hết ngày mùng 2 hoặc mùng 3 là con thường xuyên hỏi "mẹ ơi, sắp đi học lại rồi hả mẹ?” và ánh mắt tỏ rõ sự tiếc nuối vì sắp hết được vui chơi.

Chính vì vậy, sau mỗi lần con gái hỏi, chị Hạnh Nguyên luôn nắm tay con và nhẹ nhàng động viên con rằng đi học sẽ gặp lại cô và các bạn, sẽ đông vui hơn, các bạn có nhiều chuyện kể với con.

"Trước khi đến trường từ một đến 2 ngày, khi ngồi với con, tôi thường giả bộ đưa ra trò đố vui, có khi là bảng cửu chương hoặc câu hỏi lịch sử đơn giản về các danh nhân mà con đã từng học… Qua đó, con sẽ dần có nhịp với kiến thức khi trở lại với việc học”, chị Hạnh Nguyên chia sẻ.

Học sinh Trung tâm GDTX Chu Văn An (TP.HCM) trong lễ hội mùa xuân

HOÀNG ĐỖ

Vui chơi không quên nhiệm vụ học tập

Với thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), tết là dịp để học sinh cùng gia đình đi vui chơi, thăm hỏi, chúc tết họ hàng, cùng bạn bè thăm thầy cô cũ… Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc xin giảm dần theo thời gian nên các bậc phụ huynh cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, theo dõi và nhắc nhở giờ giấc ăn, ngủ, vui chơi một cách khoa học cho các em, tránh tình trạng để các em thức quá khuya, làm suy giảm sức khỏe.

Đặc biệt, thầy Thanh chia sẻ, phụ huynh học sinh nên nhắc con em mình theo dõi và tiêm vắc xin mũi tăng cường để có thể tăng miễn dịch với các biến chủng mới. Riêng học sinh lớp 12 sắp sửa bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT nên cần lên kế hoạch học tập và tăng tốc ôn tập sau tết để có thể sẵn sàng cho những kỳ thi quan trọng, theo thầy Thanh.

Còn thạc sĩ Phan Thế Hoài, Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) thì cho hay, lợi thế của học sinh bậc THCS, THPT là đã có ý thức về việc học tập, nhất là học sinh cuối cấp. Tuy nhiên, các em cũng không thể tránh khỏi tâm lý uể oải, có một chút xao nhãng sau khoảng thời gian nghỉ tết. Vì vậy, trước ngày đi học trở lại sau kỳ nghỉ tết, giáo viên chủ nhiệm nên có những tin nhắn nhắc nhở học sinh “tạm gác lại việc chơi”, giao nhiệm vụ học tập nhẹ nhàng và không quên dùng điểm cộng để động viên, khuyến khích các em.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), lưu ý giáo viên luôn phải là người khởi động trước, tâm thế của người thầy phải đi đầu. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn không nên tạo ra áp lực cho học sinh ngay trong ngày học đầu tiên của năm mới.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường cần tạo cho học sinh một không khí học tập thoải mái, vui vẻ. Không nên vừa bước vào ngày đầu năm mới đã có kiểm tra hay giao bài tập khó cho các em.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.