Tôi muốn mở đầu bài viết ngắn này bằng câu chuyện được đăng tải hồi tháng trước. Đó là chuyện cô bé Eve Ball (người Anh, 7 tuổi và học lớp 1) rất thích kẹo sô cô la của Hãng Nestlé. Thấy chữ là đọc, em đã phát hiện trên vỏ kẹo lỗi in sai chính tả và phản ánh ngay tới nhà sản xuất để họ sửa chữa, điều chỉnh.
Hãng Nestlé cũng lập tức tiếp thụ ý kiến đóng góp, xin lỗi khách hàng và tặng bé Eve một voucher (phiếu trả tiền) trị giá 2 bảng. Cả đôi bên cùng vui vẻ, tự nguyện, chân thành bởi mỗi bên đều coi đó là việc cần làm, như một thứ ý thức tự nhiên, vốn có.
Nhắc chuyện ấy bởi vì có những điều tương tự nhưng cách xử sự lại hoàn toàn khác biệt ở xứ ta. Giữa người tiêu dùng (khách hàng) và doanh nghiệp (nhà sản xuất) còn có khoảng cách quá lớn, thậm chí không thể dung hòa. Từ những điều rất nhỏ, lẽ ra chỉ cần giao dịch dân sự, trao đổi bình thường trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng thì lại làm um lên gây nhiều phiền toái, thiệt hại, cùng chịu thiệt.
Lâu lâu dư luận lại rộ lên chuyện ai đó phát hiện ra lỗi của sản phẩm tiêu dùng trên thị trường. Hầu hết là thực phẩm, sữa, nước giải khát, bia rượu. Khi thì lon không đầy, lúc thì chai bị lắng cặn, vón cục, có vật lạ, thậm chí bị hư hỏng, thiu thối, hạn sử dụng bị đổi... Nhiều trường hợp, do lỗi từ nhà sản xuất, họ phải chịu trách nhiệm. Nhưng có những vụ việc, không loại trừ nguyên nhân là quá trình phân phối, bảo quản, vận chuyển, và có thể cả sự cạnh tranh không lành mạnh của “đối thủ”.
Giá như người tiêu dùng giữ được sự bình tĩnh, tuân thủ pháp luật, có ý thức chân thành góp ý cho nhà sản xuất thì vụ việc đâu đến nỗi căng như sợi dây đàn. Điều dễ thấy nhất là hầu hết người phát hiện đã ích kỷ, vụ lợi, tham lam, nảy sinh ngay ý nghĩ chiếm đoạt tài sản, tống tiền doanh nghiệp. Không ít lần chúng ta nghe họ tự thú nhận “kiếm vài thùng (bia, nước ngọt, sữa...) uống chơi”, “cơ hội trời cho”, “phen này bắt nó phải è ra”... Gọi là thương lượng, trao đổi nhưng thực ra là ép uổng nhau, làm khó nhau, thiếu thiện tâm thiện chí. Không ít doanh nghiệp vì muốn giữ uy tín, không làm to chuyện nên chấp nhận “sự tống tiền”. Cũng có doanh nghiệp bảo thủ, khăng khăng không chịu mình sai, không lắng nghe góp ý của khách hàng. Có người bảo đời mà, đâu chẳng thế, cứ gì ở nước ta. Tôi chỉ muốn nói rằng cái lợi cho bản thân từ những hành vi như vậy chả trong sạch tí nào, cần phải lên án. Đợi đến khi đưa nhau ra tòa thì đã muộn.
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nước ta đã có những tổ chức, hội đoàn chuyên làm việc này. Pháp luật cũng có những quy định chặt chẽ, rõ ràng. Và cần nhất là hãy giữ cho lòng mình trong sạch, đừng để nó lắng cặn, vẩn đục bởi sự tham lam. Cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng hãy biết tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, chí ít cũng như cô bé Eve và Hãng Nestlé kể trên thì mới mong tạo được môi trường kinh tế lành mạnh, phát triển.
Bình luận (0)