Cho dù có trầm tĩnh đến đâu thì cũng phải phẫn nộ trước kết quả chấm thẩm định bài thi của các thí sinh nằm trong diện gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, khi có những thí sinh, chẳng hạn ở Hà Giang, được nâng lên đến 26,8, thậm chí là 29,95 điểm.
Nghĩa là những thí sinh (TS) này thực chất có tổng điểm 3 môn xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) hàng tốp chỉ 1 - 2 điểm, thậm chí là 0,75 điểm.
tin liên quan
Gian lận thi ở Hòa Bình: 28 thí sinh bị Bộ Công an 'trả về địa phương'Nhiều năm làm công tác tư vấn, tiếp xúc với các TS, phụ huynh, tôi đã không ít lần chứng kiến ánh mắt rớm lệ, gương mặt thất thần của các bậc cha mẹ lam lũ, của các TS đến từ những gia đình nghèo khó quyết chí học tập, nhưng đôi khi chỉ thiếu 0,25 điểm đã vuột cơ hội vào trường ĐH như mong muốn.
Vậy thì, có trào nước mắt được hay không trước việc có người thay vì rớt tốt nghiệp phổ thông lại nghênh ngang bước vào ĐH với điểm thi cao ngất? Có chấp nhận được không một người điểm thi thật chỉ 13, mà hiển nhiên trở thành một trong những người có điểm cao nhất một trường y danh giá của quốc gia?
Những TS gian lận điểm thi tất nhiên sẽ bị buộc thôi học. Nhưng công bằng ở đâu cho những TS có năng lực hơn, mà lẽ ra họ đã trúng tuyển nếu không có những người do sửa điểm thi? Giờ ai có thể trao lại cho các TS chân chính cơ hội vào ĐH của họ?
Chính vì thế, dư luận mong muốn những người vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh.
Khi sự việc gian lận điểm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018 được phanh phui, những cán bộ tham gia vào việc chỉnh sửa, mua bán điểm đã bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam.
Tuy nhiên, dư luận còn mong muốn cả những người “mua” điểm bằng tiền bạc hoặc quyền lực cũng phải bị trừng trị. Phải công khai danh tính và phải xử lý thích đáng. Có như vậy mới mong không còn xảy ra tiêu cực nữa.
Đòi hỏi này càng chính đáng hơn trong bối cảnh nước Mỹ cũng xảy ra vụ gian lận thi cử được xem là chấn động trong tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên trong khoảng một tháng, gần 50 người tham gia vào vụ gian lận này đã bị buộc tội. Hồi đầu tuần này, công tố viên liên bang Mỹ thông báo 13 phụ huynh liên quan sẽ nhận các tội đưa hối lộ và gian lận.
Hầu hết đây là những phụ huynh danh giá, tên tuổi như ngôi sao Hollywood, giảng viên ĐH lớn, lãnh đạo doanh nghiệp… và họ phải đối mặt với án phạt tù, cao nhất có thể đến 20 năm.
Thế giới ngày nay mở hơn rất nhiều với sự hỗ trợ của công nghệ nên mọi thông tin không thể bưng bít được nữa. Thế nên, thay vì để dư luận suy đoán trong nỗi bực dọc thì chúng ta cần công khai để hạn chế sai lầm, chống tiêu cực. Đây thật sự cũng là cơ hội để lấy lại lòng tin của xã hội cho ngành giáo dục trước đầy rẫy những câu chuyện quá buồn trong một môi trường lẽ ra rất tôn nghiêm, chân chính!
Bình luận (0)