Mừng tuổi không còn thấy "mừng"
Mừng tuổi là một tục lệ vốn rất đẹp đẽ trong những ngày chào năm mới. Những hình ảnh con cái lì xì cha mẹ, ông bà mừng tuổi các cháu nhìn thật ấm áp và ý nghĩa sum vầy, gia đình. Nhưng đằng sau những tấm hình đẹp lại là câu chuyện dài hơn mọi tiếng thở dài, buồn tủi vì những biến tướng. Khi mà nhiều người mượn chuyện mừng tuổi con sếp để hối lộ, biến chuyện mừng tuổi thành việc trả nợ. Khi mà lũ trẻ con cũng bị nhuốm màu tiền bạc bởi chuyện mừng tuổi của người lớn.
Mừng tuổi cho trẻ là một phong tục đẹp ngày tết nhưng ngày nay ít nhiều bị "biến tướng" |
T.L |
Một người từng kể với tôi: “Có năm em mừng tuổi cho một cậu nhóc, giữa rất nhiều bao lì xì của mọi người, cậu bóc phong bao của em ra trước chắc vì thấy có hình ngộ nghĩnh. Bóc xong cậu bé bĩu môi bảo: Có mỗi 100K. Cậu bé chỉ mới 7 tuổi thôi”.
Một người mẹ đơn thân cũng chia sẻ tôi rằng năm nào con của chị nhận được nhiều tiền mừng tuổi là năm đó chị cháy túi. Vì bây giờ nhiều người không dùng phong bao lì xì nữa, họ luôn xòe tiền ra mừng. Họ mừng con mình 100K thì mình cũng phải mừng lại tương ứng. Họ mừng 500K thì mình cũng chẳng thể mừng 4 tờ 100K được. Họ có 3 đứa con trong khi mình chỉ có độc một đứa. Thế nên nhiều khi đi chúc tết là phải… đếm số con của người mình sắp gặp.
Tôi không biết từ lúc nào nhiều người bỗng chuộng kiểu lì xì trần trụi. Tức là đưa thẳng tiền ra. Cái phong bao sinh ra không phải để giấu mệnh giá của đồng tiền, mà nó là sự trân trọng dành cho nhau.
Rồi còn vô số kể những câu chuyện cười ra nước mắt nữa mà mọi người chia sẻ với tôi khi tôi đưa vấn đề mừng tuổi lên trang cá nhân của mình. Những câu chuyện mừng tuổi thành buồn tủi.
Để lì xì đừng thành xầm xì
Ngày nay cũng có không ít người đặt nặng mệnh giá đồng tiền lì xì. Không còn suy nghĩ "có nhiều mừng tuổi nhiều, có ít mừng tuổi ít, hoặc không mừng bằng tiền thì có thể mừng nhau bằng tấm thiệp nhỏ, cuốn sách hay món đồ nhỏ xinh" nữa.
Mấy năm gần đây tôi cũng liên tục tham gia các phong trào mừng tuổi bằng sách, mừng tuổi bằng cây xanh, mừng tuổi bằng quà tặng ý nghĩa khác. Đâu nhất thiết chỉ mừng tuổi bằng tiền? Nhưng nhiều đứa trẻ hẳn sẽ không thích điều này. Là bởi chúng bị chính cha mẹ ám ảnh chuyện tiền nong, chỉ nghĩ mừng tuổi có nghĩa là tặng tiền, cho tiền, phát tiền. Nên tết đến, hỏi lũ trẻ điều gì chúng mong đợi nhất thì câu trả lời đồng thanh và to nhất vẫn là: Mừng tuổi.
Vậy mừng tuổi cho trẻ như thế nào để đồng tiền mang hàm ý, giá trị lớn hơn, có thể tác động tích cực đến trẻ, để trẻ hiểu về giá trị đồng tiền thay vì trị giá của đồng tiền. Đừng biến buổi học đầu năm của trẻ thành cuộc đua xem năm nay ai kiếm được nhiều tiền mừng tuổi hơn. Rồi lại có những đứa trẻ tủi thân vì năm nay mình kiếm được ít tiền mừng tuổi nhất, chứng tỏ cha mẹ mình kém cỏi nhất. Lì xì xin đừng thành vẻ xầm xì của những thước đo, chuẩn giàu nghèo từ tiền bạc.
Để mừng tuổi thành niềm vui mừng đón tuổi
Mừng tuổi bao nhiêu không quan trọng bằng mừng tuổi thế nào, lời chúc cho con trẻ quan trọng nhiều hơn số tiền. Một lời chúc để tâm không thể chỉ là “chúc con hay ăn chóng nhớn, con ngoan trò giỏi” mà nó phải khiến đứa trẻ nhận được sự quan tâm của người mừng tuổi nó. Mỗi đứa trẻ đều cần nhận được lời chúc đo ni đóng giày cho riêng chúng. Đừng “đồng phục” lời chúc.
Bởi phong bao kia đâu chỉ chứa tiền? Nó còn chở cả mùa Xuân nguyện ước. Nó còn chứa cả hy vọng và mong cầu. Nó còn mang theo cả vạn sự tốt lành mà chúng ta mong gửi gắm cho đứa trẻ ấy. Mong điều tốt lành đến cho một đứa trẻ là chúng ta đang gieo một mầm xanh cho rừng cây trong tương lai vậy. Và hãy bắt đầu từ phong bao lì xì ngày năm mới khi trao cho mỗi đứa trẻ.
Mong rằng các bậc phụ huynh hãy giúp con nhận ra giá trị của những đồng tiền lì xì đó. Không phải bằng việc quy đổi. Tôi không muốn những đứa trẻ đếm tiền mừng tuổi trong những lời than thở của cha mẹ kiểu: Con thu được 2 triệu mừng tuổi thì cha mẹ mất 3 triệu đấy biết không? Đừng làm cho niềm vui nhận mừng tuổi của con thành gánh nặng tài chính mà cha mẹ phải vác. Chúng đâu có lỗi trong việc chúng nhận tiền nhiều thì cha mẹ chúng mất nhiều hơn? Đừng dạy trẻ sự lỗ lãi trong niềm vui trao gửi.
Bình luận (0)