Đừng để ngày tôn vinh thầy cô thành ngày tủi buồn

15/11/2016 12:54 GMT+7

Đã mấy năm rồi, cứ đến ngày 20.11, Tâm, cô giáo dạy một trường Trung học, lại ra khỏi nhà từ sáng sớm. Và cô tắt điện thoại.

Chị Năm hàng xóm, người tốt chuyện nhất xóm, khoe rằng 2 năm nay chị đã không phải lo lắng mỗi ngày 20.11 hằng năm nữa. Nhà trường đã cấm việc học sinh tặng quà cho thầy cô.
Cô giáo Tâm và chị Năm không hề quen biết nhau. Cô Tâm ở Gia Lai, chị Năm ở Sài Gòn. Nhưng chính những cái khổ tâm của chị, đã làm khổ tâm các thầy cô giáo.
Ở Việt Nam, trong hàng trăm ngành nghề (xin thưa rõ rằng nghề nào cũng đáng quý, trân trọng), chỉ có 4 nghề được có một ngày để tôn vinh người làm nghề. Đó là thầy thuốc (27.2), nhà báo (21.6), doanh nhân (13.10), và nhà giáo (20.11). Nói thế để thấy rõ, với Việt Nam, tinh thần tôn sư trọng đạo đã vượt lên trên tất cả.
Chính vì sự trân trọng đó, mà trước đây vài mươi năm trở về trước, mỗi năm cứ đến 20.11, là ngày hội của thầy cô. Ngày còn nhỏ khi học lớp 3, người viết bài này đã học bài tập đọc “Hai bông cẩm chướng”, kể câu chuyện ấm áp khi các em nhỏ mang hoa cẩm chướng đến thăm thầy cô. Rồi chính chúng tôi, cũng tương tự, cứ đến ngày đó, mỗi đứa xin ban má mấy đồng góp lại mua hoa đi thăm thầy. Khi chúng tôi đến nhà thì thầy cô có kẹo bánh. Thầy cô nhận bông, cắm vô cái vỏ chai để trên bàn, rồi thầy trò cùng nhau ăn kẹo bánh, chuyện trò. Tình thầy trò càng gần gũi, thân thương, nồng ấm.
Nhưng rồi những năm sau đó, ngày 20.11, giá bông hoa không còn cao như trước. Người ta đã ít mua hoa hơn, mà dần thay vào đó là những quần áo, vải vóc. Rồi khi quần áo vải vóc và những món hàng gia dụng đã trở thành quá thông thường, thì nó thành những món quà đắt giá hơn, hoặc biến thành chiếc phong bì, nhỏ gọn.
Không thể chối cãi xuất phát ban đầu đó là cử chỉ đẹp, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, tình nghĩa thầy trò đằm thắm, còn với các bậc phụ huynh thì đó là tình cảm chân thật, “nhất tự vi sư bán tự vi sư”, “muốn con hay chữ hãy yêu quý thầy”. Nhưng dần về sau, cuộc sống khá dần lên, người ta làm ra tiền nhiều hơn, những món quà của người nhà giàu cứ tăng lên về giá trị. Nhà nghèo cố chạy theo, vừa chạy theo vừa than thở. Việc tặng quà trở nên cực đoan. Gần như người ta không còn nghĩ đó là cử chỉ của sự cao thượng, của tình cảm, mà xem đó là cái nợ phải trả cho xong. Hoặc là việc phải làm để giữ “an toàn” cho con mình. Cực đoan đến độ, sau này trong xã hội đã xuất hiện một từ mới, là “đi thầy”.
Rồi từ đây, cái nhìn thiếu thiện cảm của xã hội đã không khỏi làm tổn thương những bậc đang ngày đêm đổ mồ hôi vì sự nghiệp trồng người. Nhất là những thầy cô yêu nghề, yêu trẻ, trân trọng nghề nghiệp như tròng mắt con ngươi của mình, sao khỏi thấy lòng mất mát.
Và đó là lý do tại sao về những năm sau này, hầu như phần đông thầy cô giáo từ chối nhận quà tặng trong ngày đẹp nhất của mình.
Đã có lần, một trường mầm non ở Gò Vấp TP.HCM đã ra thông báo không nhận quà trong ngày 20.11. Rồi đến Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cũng đích thân ký văn bản thông báo ngành Giáo dục sẽ không nhận quà tặng, mà chỉ nhận thiệp, email điện tử.
Trước những câu chuyện đó, người có trăn trở với cuộc sống, chỉ thấy đó là dấu hiệu buồn chứ không hề vui.
Một khi hàng loạt thầy cô không chịu nhận quà tặng trong ngày ý nghĩa nhất của mình, có lẽ xã hội phải nhìn lại quan niệm, cách nhìn. Chút tình của học sinh mà từ chối, làm sao tấm lòng người thầy không khổ đau, trăn trở?
Người bạn giáo viên nói trên tâm sự rằng, cô rất sợ cái ngày 20.11. Cô giáo nói vậy, các bậc phụ huynh có nghĩ gì chăng?
Người viết bài này cũng đã có những năm tháng đứng trên bục giảng, đã có những đêm thâu soạn giáo án dưới ánh đèn dầu tù mù, nên từ trong tâm tư nghề nghiệp nhận ra rằng, món quà lớn nhất mà thầy cô hạnh phúc nhất, đó là sự trưởng thành của học trò. Không vì những món quà nặng nhẹ mà thầy cô yêu hơn hay bớt yêu học trò của mình.
Nếu các bậc phụ huynh thực lòng kính trọng thầy cô, thì món quà lớn nhất là cùng với thầy cô chăm lo dạy dỗ con em mình. Gia đình là một giềng mối trong quan hệ chặt chẽ với nhà trường trong việc hình thành nhân cách, sự trưởng thành của các em. Đừng đưa thầy cô và cả phụ huynh phải đi vào thế khó, vào cái cảnh cả bên “cho” và bên “nhận” đều thấy ngượng ngùng.
Và cũng đừng để những ý nghĩ, hành động của người lớn làm mất đi sự trong trắng của con em mình. Trẻ con, các cháu như tờ giấy trắng, có biết gì đâu, có nghĩ gì đâu. Tôi cứ ái ngại nghĩ bâng quơ, cứ gần đến 20.11, các cháu nghe được ba mẹ bàn tính việc “đi thầy”. Rồi đây lớn lên tâm hồn các cháu sẽ ra sao, khi chính người dạy dỗ các cháu, được kính trọng bậc nhất, cũng bị ba mẹ cháu đưa vào việc cân nhắc, tính toán, khi cháu nhận ra rằng cái giá trị cao cả nhất cũng bị quy thành tiền, bán mua, đổi chác? Bởi các cháu, các em vẫn đâu biết rằng để bật ra lời dặn ngày đó chỉ nhận hoa, các thầy cô đã phải qua bao nhiêu trăn trở, đã phải hứng chịu bao nhiêu bao nhiêu điều cay đắng, bao nhiêu tủi hờn.
Càng về sau này, người ta cố gắng lấy lại ý nghĩa cho ngày nhà giáo. Bông hoa đã được dâng lên nhiều hơn trước. Nhưng cái ấn tượng cay đắng cũng đâu dễ nào phai. Có mấy ai biết rằng, bên trong đó là bao nhiêu nỗi đau tình người, và bông hoa kia có còn nguyên sắc thắm?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.