Lăng kính bạn đọc:

Đừng để thầy cô, học sinh 'bội thực' vì đủ loại cuộc thi

M.Giao
(tổng hợp)
19/11/2024 05:00 GMT+7

Nhiều bạn đọc mong ngành giáo dục, nhà trường biết từ chối các cuộc thi không cần thiết để thầy cô và học sinh tập trung vào giảng dạy và học tập.

Thanh Niên ngày 12.11 có bài viết "Bội thực" vì đủ loại cuộc thi, theo đó một giáo viên (GV) tên Minh Hào (tên nhân vật đã được thay đổi), dạy tại một trường tiểu học tại Q.12 (TP.HCM), cho biết: "Là GV, tôi hiểu mục đích của các cuộc thi trên mạng là giúp các em học sinh (HS) có cơ hội ôn tập, giải trí, các em tham gia tự nguyện. Tôi cũng được biết Bộ GD-ĐT ra văn bản nêu các cuộc thi online chỉ là sân chơi trí tuệ; các trường, đặc biệt là trường tiểu học, không được ép buộc HS tham gia, chỉ tham gia với tinh thần tự nguyện".

Tuy nhiên theo GV này, có hiện tượng đánh giá thi đua, công tác chủ nhiệm của GV chủ nhiệm căn cứ vào tỷ lệ HS của lớp tham gia thi các cuộc thi này. Từ đó, có thể ảnh hưởng tới khoản thu nhập tăng thêm của GV.

Đừng để thầy cô, học sinh 'bội thực' vì đủ loại cuộc thi- Ảnh 1.

Giáo viên “bội thực” với đủ loại cuộc thi

ẢNH: GIÁO VIÊN CUNG CẤP

GV Minh Hào nói nhiều cuộc thi đang được đưa vào nhà trường như V.O.E; T.N.T.V; T.N.T.T… và các cuộc thi tiếng Anh, tin học trực tuyến khác. Mọi trách nhiệm đổ dồn lên vai GV chủ nhiệm. GV này nêu thực tế: "HS có thành tích thì GV mới được khen thưởng, mà muốn HS có giải thì GV phải bỏ mặc các HS khác, dồn tâm lực vô nhóm HS đi thi".

"Nói đến các cuộc thi trực tuyến này, những đồng nghiệp mà tôi biết ai cũng thấy mệt mỏi và chán ngán. Riết rồi chính GV còn thấy "bội thực" huống chi HS tiểu học", GV này bộc bạch.

Mệt mỏi với các cuộc thi

Nhiều bạn đọc (BĐ) đồng tình với bài viết "Bội thực" vì đủ loại cuộc thi của Thanh Niên. BĐ có nickname Viud phản ánh: "Mình rất bức xúc với mấy cuộc thi này. Không công bằng một chút nào. Ai mua ứng dụng thì sẽ được ôn luyện trước. Con mình học lớp 2 mà bắt thi cuộc thi T.N.T.V, V., kỹ năng sống, tiếng Anh..., chưa kể gần 20.11 bé phải tập nhảy múa, còn phải làm thiệp gửi trường, làm mất 3 cái thiệp (mỗi tấm phải cùng phụ huynh làm mất 2 - 3 giờ)… Đã vậy thi vô vòng 2 rồi còn bắt quay video post FB với hashtag nữa".

BĐ Minh Lê bức xúc: "Không chỉ riêng các cuộc thi của ngành GD-ĐT đâu, các cuộc thi của các ngành khác cũng bắt GV, HS tham gia để lấy số liệu. Còn bắt HS, GV đi xem văn nghệ, cổ động, cả chủ nhật hoặc buổi tối. Khổ lắm!".

BĐ có nicknam F5z1Jo cũng phản ánh: "GV cũng vậy, cũng thi rất nhiều cho có. Rất bực mình. HS thì cả trăm cuộc thi. Trên nói không ép, nhưng trường ép, dẫn đến GV buộc phải ép".

Biết từ chối những cuộc thi vô bổ

Nói về những cuộc thi khiến GV, HS "bội thực" như hiện nay, BĐ Pho Lai cho rằng: "Đây là một kiểu biến tướng và không có trong chương trình giáo dục. Nhà trường không được lấy những môn thi như vậy để đánh giá kết quả của HS mà phải xem đây chỉ là tự nguyện, ai có nhu cầu thì tham gia thôi, cho đúng nghĩa với một sân chơi". BĐ Ngọc Hồ thì nhận xét: "Đây cũng là một hình thức liên kết, thậm chí nhà trường còn vận động GV, HS thi. Nên cấm triệt để".

Trong khi đó, BĐ có nickname ofP5vs thẳng thắn: "Tất cả là do bệnh thành tích quá nặng, trường này đua với trường kia, quận này đua với quận nọ, lấy thành tích làm nền để được khen, được thăng tiến... Phòng GD-ĐT thì dựa trên thành tích để đánh giá các hiệu trưởng, hiệu trưởng muốn được đánh giá xuất sắc thì lại bắt ép GV và HS phải thi để báo cáo thành tích của trường. Chỉ khổ cho GV và HS. GV thì không có thời gian đầu tư chuyên môn, HS thì vất vả học thi đủ thứ".

BĐ The Minh cũng góp ý: "Điều quan trọng là các sở, phòng GD-ĐT phải biết dũng cảm "từ chối" những cuộc thi vô bổ này, chứ đừng cả nể mà "đẩy" về các trường, rồi các trường lại "đẩy" cho GV, HS".

"Tôi đề nghị ngành GD-ĐT nên xem xét, kiểm tra, loại bỏ những cuộc thi vô bổ như vậy, để thầy trò không bị áp lực theo những cuộc thi "ảo" như vậy", BĐ Đạt Trí Nguyễn ý kiến.

* Trẻ em bây giờ học quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi, hết thi cái này lại đẻ ra thi cái khác. Cô cũng mệt mà cháu cũng mỏi. Mong ngành GD-ĐT xem xét lại.

Hien Bui

* Không chỉ có HS "bội thực" mà GV chúng tôi cũng "bội thực" với các cuộc thi tìm hiểu, các cuộc khảo sát, lấy ý kiến…

Lan Anh Nguyen Thi

* Nghề GV như làm dâu trăm họ là có thật! Chỉ ai trong nghề mới cảm nhận được.

FDNME


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.