Đừng để tiền hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 rơi vào nhà quan

05/06/2020 19:54 GMT+7

"Nếu tiền hỗ trợ người ảnh hưởng bởi Covid-19 chi chưa đúng đối tượng, rơi vào nhà nghèo thì không sao, nhưng đừng để tiền rơi vào nhà quan, vào nhà tổ trưởng, bí thư chi bộ. Chỉ cần một sai sót bé thôi nhưng tai tiếng cả đời”.

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc chiều nay, 5.6, giữa đoàn giám sát, kiểm tra của Bộ LĐ-TB-XH với UBND TP.Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chỉ còn 167 đối tượng chính sách chưa nhận hỗ trợ

Theo ông Lê Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, đến nay về cơ bản Hà Nội đã hoàn thành công tác chi trả giai đoạn 1 cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo). Đã có 385.516/385.683 người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỉ đồng.
Trong đó, đối tượng người có công với cách mạng là 76.636 người, với số tiền 114,8 tỉ đồng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 171.143 người, với số tiền 256,1 tỉ đồng; hộ nghèo theo chuẩn là 20.891 người, với số tiền 15,7 tỉ đồng; hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo là 116.852 người, với số tiền 87,6 tỉ đồng.
Tỷ lệ chi trả toàn thành phố đạt 99,97%, làm tròn là 100%. Hiện chỉ còn 167 đối tượng chưa nhận hỗ trợ vì các đối tượng này hiện đang vắng mặt tại nơi cư trú.
Trong giai đoạn 2, Hà Nội thực hiện triển khai hỗ trợ cho 5 nhóm đối tượng, gồm: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; hộ kinh doanh (có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm); người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.Hà Nội đã tổ chức triển khai thực hiện công tác chi trả hỗ trợ cho cho 5 nhóm đối tượng trên.
Theo ông Dân, do Hà Nội địa bàn rộng, số lượng đối tượng hưởng hỗ trợ nhiều, để triển khai thực hiện nhanh chóng, ông Dân kiến nghị cho phép xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng giao chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. 

Sẽ thanh tra toàn diện một địa phương 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao Hà Nội trong triển khai phòng chống dịch nói chung và triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội nói riêng. Kết quả gần 100% hoàn thành 4 nhóm đối tượng chưa xảy ra sai sót là một thành công rất lớn. Đến nay, Bộ LĐ-TB-XH chưa nhận được bất cứ đơn thư nào, phản ánh những tiêu cực từ cách làm của Hà Nội.

Ông Dung cho biết, đến thời điểm này việc triển khai chi trả gói hỗ trợ tại các địa phương cơ bản đạt yêu cầu Nghị quyết 42 và Quyết định 15 đặt ra. Đây là gói có số người nhận hỗ trợ đông nhất, nhưng đến giờ số lượng tiêu cực là ít nhất.
Tuy nhiên, ông Dung cho hay, hiện có những địa phương khiến Bộ LĐ-TB-XH phải "đau đầu", vì dùng "đủ muôn hình vạn trạng" lách luật để chi trả.
“Bộ LĐ-TB-XH mới chỉ nhận được phản ánh có 3 đơn vị chi thiếu, chi sai đối tượng, trong đó có một tỉnh rất phức tạp. Bộ LĐ-TB-XH đã phải yêu cầu địa phương này dừng tất cả chi trả để rà soát lại toàn bộ hộ nghèo và cận nghèo, bao giờ xong mới được cấp tiếp. Tới đây, Bộ cũng sẽ cho thanh tra toàn bộ việc chi trả đối tượng tại tỉnh này. Tôi đã báo cáo Thủ tướng, ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Bộ”, ông Dung nói.
Theo ông Dung, khó nhất hiện nay vẫn là chi trả cho nhóm lao động tự do. Nếu 5 thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ tập trung giải quyết được nhóm lao động tự do, coi như cả nước giải quyết xong. Ông Dung đề nghị: “Hà Nội khẩn trương tập trung rất cao cho nhóm lao động tự do càng nhanh càng tốt. Khi người ta cần, người ta đói, chưa có công ăn việc làm ổn định phải hỗ trợ người ta. Tôi có hỏi một số bác xe ôm, bà bán nước chè bây giờ người ta đã đi làm lại nhưng vẫn chưa có khách. Tiền hỗ trợ chỉ có 1 triệu mà để lâu quá thì chẳng có ý nghĩa gì cả”.
Bên cạnh đó, ông Dung yêu cầu ngành bảo hiểm xã hội và ngành LĐ-TB-XH tập trung giải quyết chính sách cho đối tượng tạm hoãn hợp đồng lao động và người chấm dứt hợp đồng lao động không thể chậm trễ. Riêng đối với đối tượng hộ kinh doanh cá thể, ai đủ điều kiện xử lý thì xử lý ngay, còn những khó khăn vướng mắc khác Bộ sẽ tính toán tháo gỡ nhanh nhất có thể.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng lưu ý các cơ quan, đơn vị của Hà Nội không nên chủ quan, cần giám sát chặt chẽ về mặt thủ tục, công khai và minh bạch.
Ông Dung chia sẻ: “Chặng khó khăn nhất chúng ta làm tốt, nhưng chặng sau này có khi rất dễ phát sinh, chỉ cần buông lỏng là nảy sinh vấn đề. Người dân Hà Nội dân trí cao, nắm bắt thông tin rất nhanh và đầy đủ, nếu như làm chưa đúng đối tượng, rơi vào nhà dân mà người ta nghèo thì không sao, nhưng đừng để vào nhà quan, vào nhà tổ trưởng, nhà bí thư chi bộ… thì không còn đường nào mà nói. Chỉ một sai sót bé thôi nhưng tai tiếng cả đời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.