Nhiều cơ hội, nhiều thách thức
Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cô bạn thân từ thời THPT, học rất giỏi và thi đầu vào với điểm rất cao. Thế nhưng được một học kỳ thì cô bạn này dính vào bán hàng đa cấp và từ đó chuyện học sa sút. Học được hết năm nhất, vì lao vào vòng nợ nần nên cô bạn này phải nghỉ học.
“Lúc đầu em rủ nó đi làm thêm, lúc đó là phục vụ quán cơm, nhưng làm chưa được 2 tháng thì nó lại rủ ngược em đi làm cái này có nhiều tiền hơn việc phục vụ quán. Nhưng vì lúc đó tình nghĩa với chị chủ quán cơm nên em không có nghỉ việc. Tưởng đâu nó làm được việc gì nhiều tiền chắc về cũng dẫn em đi ăn để khao, tiền đâu không thấy mà cứ thấy nó hỏi em nhận lương chưa cho nó vay ít. Dần dần em nghi nên hỏi, thì mới biết nó bị sa vào bẫy đa cấp. Mà chuyện đa cấp này đầy rẫy trên mạng, thế mà không hiểu sao một đứa giỏi giang, thông minh như con bạn em mà cũng dính vào”, Trang kể.
tin liên quan
Sinh viên và những công việc thâu đêm
Trang cũng chia sẻ: “Làm thêm nhiều cám dỗ lắm chị, em thấy mấy đứa nữ sinh xinh gái hay đi làm ở các quán nhậu thì kiểu gì sau đó cũng cặp kè với mấy anh con nhà giàu. Mà em chẳng biết chuyện tình đó có đi đến đâu không nữa, chỉ thấy yêu vội thì cũng dễ chia tay vội. Còn nhiều đứa ham công việc nhẹ lương cao nên bỏ bê chuyện học. Sinh viên mà nhiều khi tháng kiếm được cả tiền chục triệu thì sao mà không ham được. Giờ mấy đứa bạn của em chỉ cần ngồi ở phòng với cái máy tính là có thể kiếm được 3 - 5 triệu đồng/tháng rồi”.
Còn Hồ Văn Sơn (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) thì cho rằng: “Thời buổi càng hiện đại, càng có nhiều cơ hội thì cũng nhiều thách thức đi kèm. Nếu các bạn không biết kiểm soát bản thân thì dễ bị công việc cuốn theo mà sao nhãng việc học”.
Sơn kể: “Có lần em vào một trang mạng hay đăng tuyển các công việc làm Freelancer (làm việc tự do). Trên đó có nhiều công việc nhẹ nhàng mà lương cao. Em thấy tưởng thiệt nhưng làm rồi thì mới biết thù lao càng cao thì yêu cầu càng nhiều, chính vì thế mà phải đầu tư công sức, có khi em phải thức trắng đêm để dựng cho xong video đã nhận. Thế là sáng mai lên trường ngáp ngắn ngáp dài, đâu thể nào tập trung vào việc học được”.
Sơn kể thêm về câu chuyện của đứa bạn mơ làm người nổi tiếng. “Nó thích làm diễn viên, làm người nổi tiếng nên hay săn các vai quần chúng hay đóng quảng cáo. Có hôm nó đi cả ngày, từ sáng đến đêm mà chỉ quay có một cảnh nhỏ tí và đương nhiên thù lao cũng chỉ có vài chục hay cao thì tầm 100-150.000 đồng nhưng bỏ nguyên một ngày học”.
Phải thật sự tỉnh táo
Từng tiếp xúc và tham vấn cho nhiều sinh viên về câu chuyện làm thêm, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương phân tích về những rủi ro mà sinh viên thường gặp phải trong quá trình đi làm thêm.
Theo ông Dũng, rủi ro đầu tiên là dễ sa sút chuyện học hành, vì thời gian lúc này của các bạn không còn dành 100% cho chuyện học hành. Mà chương trình học đại học yêu cầu tính tự học rất cao, chính vì thế phải biết sắp xếp thời gian, bố trí công việc để hoàn thành được cả việc học lẫn chuyện làm thêm. Nhưng có nhiều bạn không sắp xếp được thời gian nên bị sa sút, hoặc thậm chí phải nợ môn và ra trường muộn hơn.
tin liên quan
Sinh viên đau đầu với... 3 chữ T
Rủi ro thứ 2 mà ông Dũng muốn nhấn mạnh là các bạn dễ bị cám dỗ bởi đồng tiền. Lúc đầu các bạn tìm đến việc làm thêm với mong muốn trang trải được cuộc sống, việc học,… nhưng nếu may mắn tìm được công việc cho thu nhập cao, tích lũy được khoản vốn. Nhưng cũng khi có được sự dư dả này nên dần dần các bạn thấy việc kiếm tiền là quan trọng. Quan trọng đến mức một số bạn chấp nhận đánh đổi, cảm thấy việc học đại học chưa chắc ra trường kiếm được nhiều tiền như hiện tại. Nên chấp nhận hiện tại không cần học đại học mà vẫn có thể làm được nhiều tiền và các bạn bằng lòng với việc đó. Chính lực hút của đồng tiền làm các bạn sao nhãng, thậm chí các bạn bỏ học.
“Lựa chọn hôm nay sẽ quyết định tương lai của các bạn, dĩ nhiên bây giờ các bạn thấy việc kiếm được đồng tiền không cần học nhưng chắc chắn 5 hoặc 10 năm sau khi nhìn lại bạn sẽ hối tiếc. Và thứ 2 là các bạn đánh đổi giá trị trước mắt với giá trị lâu dài. Có nhiều bạn có suy nghĩ giờ có cơ hội thì kiếm tiền rồi quay lại việc học sau. Nhưng các bạn sẽ không biết được rằng trong tương lai sẽ có bao nhiêu cơ hội để quay trở lại với việc học của mình”, ông Dũng khuyên.
Ông Dũng chỉ ra tiếp, rủi ro thứ 3 là các bạn dễ rơi vào bẫy đa cấp vì những lời ngon ngọt như trong một khoản thời gian ngắn, không cần bỏ tiền nhiều mà vẫn có thể kiếm ra nhiều tiền. Và đặc biệt, dễ bị bóc lột vì sinh viên làm thêm rất ít khi được ký hợp đồng rõ ràng mà đa phần là hợp đồng miệng. Nếu bạn không tìm hiểu kỹ về nơi làm việc đó thì bạn dễ trở thành công cụ và bán sức lao động của mình. “Vì thế, dù là công việc part time (bán thời gian) nhưng phải có sự thỏa thuận đường hoàng và bằng trực giác của mình để cảm nhận nơi làm việc đó có an toàn không, chủ có đối đãi tử tế,…”, ông Dũng nói.
Cuối cùng, ông Dũng khuyên: “Quan điểm cá nhân tôi vẫn khuyến khích sinh viên làm thêm. Bởi việc làm thêm không những giúp các bạn trang trải được cuộc sống, đỡ bớt gánh nặng cho gia đình, mà còn có được kinh nghiệm, thiết lập được mối quan hệ, tăng độ dày và phong phú cho CV xin việc của các bạn sau này. Tuy nhiên đừng để việc làm thêm đánh mất tương lai và đánh đổi việc học của mình. Hãy hết sức tỉnh táo để nhận ra những nguy cơ mà tránh. Và các bạn không bao giờ đơn côi trong một quyết định của mình, các bạn có thể chia sẻ những trăn trở về công việc chuẩn bị làm, nơi mình muốn làm với thầy cô, bạn bè để được chia sẻ và có lời khuyên”.
Bình luận (0)