Dừng dịch vụ bổ trợ, bảo tàng như ngồi trên lửa

14/05/2019 06:25 GMT+7

Theo thông báo của Sở VH-TT TP.HCM, trước 30.6 các bảo tàng trực thuộc Sở sẽ chấm dứt các hoạt động cho thuê chưa đúng quy định để chờ thông qua đề án sử dụng tài sản công.

Như vậy hoạt động bán đồ lưu niệm, quán giải khát phục vụ khách tham quan hay tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống bằng những hình thức liên kết lâu nay buộc phải dừng, khiến các bảo tàng thấp thỏm lo lắng.
TP.HCM có một điểm thu hút đông du khách là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, nơi sở hữu hơn 43.000 hiện vật, tài liệu quý, trong đó có 12 bảo vật quốc gia. Theo thống kê, riêng năm 2018 có khoảng 700.000 du khách đến bảo tàng. Đại diện bảo tàng cho biết: “Sau gần 10 năm thực hiện Thông tư 18 của Bộ VH-TT-DL quy định về thực hiện đa dạng hóa các hoạt động, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã tận dụng hành lang và khu vực còn trống để triển khai nhiều loại hình dịch vụ bổ trợ đáp ứng nhu cầu của khách, như: cửa hàng lưu niệm bán các vật phẩm văn hóa, phòng tranh Lý Thị mở cửa liên tục, miễn phí cho khách đến tìm hiểu về sưu tập tranh tư nhân của một số họa sĩ nổi tiếng VN. Quán Museum Coffee ngay cổng vào không chỉ là “trạm dừng chân” của du khách mà còn tổ chức nhiều sinh hoạt của Hội Cổ vật TP.HCM, CLB Tem - Tiền cổ, tọa đàm về bảo quản tranh, vật phẩm mỹ thuật. Song song đó, bảo tàng còn có chương trình múa rối nước đặc sắc liên kết với Nhà hát nghệ thuật Phương Nam diễn từ thứ ba đến chủ nhật hằng tuần để du khách cảm nhận nghệ thuật dân tộc qua những câu chuyện thú vị của lịch sử VN: Lê Lợi trả gươm, Hai Bà Trưng đánh giặc... Các hoạt động dịch vụ này năm 2018 thu gần 2 tỉ đồng. Nhưng từ tháng 7 tới, mọi hoạt động bổ trợ sẽ phải ngưng theo yêu cầu của Văn bản số 1660 ngày 24.4.2019 của Sở VH-TT TP.HCM”.
Chỉ còn nửa tháng nữa là tới thời hạn của Thanh tra Sở VH-TT yêu cầu “đóng băng” các hoạt động dịch vụ. Đến tìm hiểu tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, chúng tôi thấy gallery tranh Lý Thị vẫn đang ngổn ngang vôi vữa. Được biết, gallery đang được đầu tư hàng tỉ đồng để cải tạo mặt bằng. Lãnh đạo bảo tàng đã thông báo chấm dứt hợp đồng với phía gallery nhưng trong lòng ngổn ngang “trăm mối tơ vò”.
Dừng dịch vụ bổ trợ, bảo tàng như ngồi trên lửa1
Theo quy định, quầy bán hàng lưu niệm tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM sẽ phải đóng cửa
Thời gian qua, các bảo tàng cũng đang tập trung đáp ứng nhu cầu thiết yếu của du khách và quảng bá hình ảnh về lịch sử, văn hóa đất nước, đồng thời tạo ra nguồn thu chính đáng, giảm bớt gánh nặng ngân sách. Bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chia sẻ: “Việc ngưng hoạt động bổ trợ sẽ đẩy bảo tàng vào tình trạng khó khăn và vắng khách. Nếu cho rằng tính pháp lý của các hoạt động bổ trợ trước đây chưa ổn thì nên điều chỉnh ngay cho phù hợp chứ không thể buộc dừng lại”.
Dừng dịch vụ bổ trợ, bảo tàng như ngồi trên lửa2
Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM: “Trong tờ trình UBND TP.HCM, Sở VH-TT cũng nhận thấy thực tế công tác thẩm định, khảo sát, chỉnh lý, phê duyệt đề án sử dụng tài sản công phải mất tối thiểu từ 2 - 3 tháng, tùy thuộc vào thời gian thụ lý hồ sơ của các cơ quan liên quan. Vì vậy, trong thời gian chờ đề án được phê duyệt, các bảo tàng không thể không có những dịch vụ thiết yếu như giữ xe, căn tin để phục vụ khách tham quan. Từ đó, Sở VH-TT tham mưu Thường trực UBND TP cho phép trong thời gian chờ đề án thông qua, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở được tận dụng một phần diện tích chưa sử dụng hết để tự tổ chức hoặc cho thuê các dịch vụ bổ trợ gắn với chức năng nhiệm vụ của đơn vị, với hợp đồng cho thuê không quá 12 tháng, điều này là phù hợp với nguyện vọng của các bảo tàng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.