Theo quan sát của HoREA, hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, đã nở rộ tình trạng khoét lõm xây dựng “chung cư mini” tại các đô thị, quận nội thành.
Trong đó có những công trình xây dựng trái phép, sai phép, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Có 2 nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Đầu tiên là lách luật. Luật Nhà ở 2014 cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ 2 căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư thì được nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó. Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu khẳng định “đây là cơ sở để người ta lợi dụng xây dựng trái phép, sai phép nhà chung cư mini”.
Thế nhưng, để có thể “lách luật” thì nguyên nhân thứ 2, quan trọng hơn chính là sự buông lỏng, tiếp tay của chính quyền địa phương. Có thể khẳng định, nếu không có sự buông lỏng, tiếp tay này thì đừng bao giờ nói đến chuyện xây nhà không phép, sai phép. Chỉ cần đổ thùng cát trước cửa là có “cán bộ” đến làm việc ngay lập tức. Nhà mở thêm cái cửa sổ, trổ thêm ban công đón gió cũng đừng hòng hoàn công, nói chi đến chuyện xây dựng, mua bán rồi sau đó là kéo theo hàng chục, thậm chí hàng trăm người đến ăn ở, sinh hoạt.
Chị N.H (ngụ Q.1, TP.HCM) mua 2 nền đất liền nhau ở quận 2, nay muốn xây nhà nhưng thủ tục xin giấy phép xây dựng cũng trần ai cực khổ. “Xây 1 lô thì theo quy hoạch không được mở cửa sổ, ban công. Mua nhà ra ngoại thành mà như cái hộp thì chán nên tôi gộp 2 lô vào thành 1 và được hướng dẫn viết đơn lên chủ đầu tư xin thay đổi quy hoạch 1/500 (trước cấp cho từng nền). Theo quy trình thì quận thông qua cái đơn của chủ đầu tư, rồi quận sẽ nộp kèm bản vẽ xây dựng lên Sở QH-KT, Sở đồng ý thì cho ra quyết định phê duyệt, rồi tôi mang về quận xin cấp GPXD. Nhưng khâu nào cũng phải chờ, mình có muốn nhanh cũng không được vì mình không được trực tiếp đi nộp đơn mà phải là chủ đầu tư. Họ bảo, chỉ khi nào chủ đầu tư phá sản, tôi xin trực tiếp làm thì họ sẽ xem xét giải quyết”, chị N.H than. Kể câu chuyện này để thấy, nếu làm đúng quy hoạch, quy trình thì xây nhà trên đất của mình cũng không hề đơn giản.
Thế nên, đừng đổ cho lách luật. Luật chỉ lách được nếu có sự tiếp tay, buông lỏng của chính quyền sở tại. Vì vậy, hãy quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương nơi xảy ra tình trạng này, xử thật nghiêm thì chắc chắn đầu nậu, cá nhân hay doanh nghiệp cũng không thể qua mặt cơ quan chức năng để xây dựng sai phép, không phép.
Bình luận (0)