Văn phòng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, rà soát phản ánh về việc lấn sông Hàn làm một số dự án có nguy cơ tác động xấu, ảnh hưởng đến dòng chảy, cảnh quan bờ sông...
Đã duyệt quy hoạch, nay lại yêu cầu ngừng
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TP.Đà Nẵng, UBND TP này đã có yêu cầu dừng thi công dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) để kiểm tra rà soát hồ sơ pháp lý. Dự án này được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt sơ đồ ranh giới tại Quyết định 6652 ngày 28.8.2009, diện tích ban đầu hơn 17 ha, trong đó diện tích sử dụng phần đất liền hơn 10 ha, diện tích sử dụng phần mặt nước gần 7 ha, giao cho Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu.
Đến năm 2011, TP đã phê duyệt quy hoạch lần đầu tại Quyết định 906. Sau đó, tập đoàn này chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch của UBND TP.Đà Nẵng.
|
Theo thông cáo báo chí của Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng ngày 17.4 vừa qua, qua nhiều lần điều chỉnh, dự án được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tốt hơn với tổng diện tích điều chỉnh giảm còn 11,7 ha, trong đó phần đất liền là 10,7 ha, diện tích phần mặt nước, cầu tàu giảm từ hơn 6 ha xuống còn 1 ha; tăng diện tích cây xanh từ hơn 7.000 m2 lên hơn 24.000 m2…
“Dự án đã được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định 6039 vào ngày 27.10.2017”, thông cáo báo chí nêu rõ và cho biết, trước khi đồng ý cho nhà đầu tư xây dựng bờ kè và làm dự án, TP đã khảo sát điều kiện địa chất, nghiên cứu dòng chảy và lấy ý kiến các đơn vị liên quan.
Thế nhưng, trước phản ứng của dư luận, UBND TP.Đà Nẵng quyết định một lần nữa dừng dự án lại để rà soát hồ sơ pháp lý và tổ chức lấy ý kiến chuyên gia phản biện. Các dự án khác cũng rơi vào tình trạng đình trệ nghe ngóng không biết số phận mình thế nào.
tin liên quan
Đà Nẵng ấn định ngày tổ chức hội thảo về quy hoạch 2 bờ sông Hàn Các doanh nghiệp (DN) chỉ làm nốt phần còn lại để hoàn thành theo thiết kế và quy hoạch đã phê duyệt từ năm 2008. "Các dự án đều đã được Bộ NN-PTNT, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan khoa học chuyên ngành, đánh giá dòng chảy, tác động môi trường xem xét, thẩm định; các cơ quan chuyên môn của UBND TP.Đà Nẵng cũng đã họp thẩm định các ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi để duyệt các hồ sơ báo cáo thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trước khi trình UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt. Giờ nếu dừng, vậy ai chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của DN", một DN đặt vấn đề.
Ảnh hưởng môi trường đầu tư
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Đà Nẵng từng tổ chức thi quy hoạch hai bờ sông Hàn. Nếu cần thiết phải thay đổi quy hoạch cho bài bản thì cũng nên làm. Tuy nhiên, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh: Để người dân và các nhà khoa học đồng lòng với TP và DN, trước mắt, TP cần trưng đầy đủ đánh giá tác động môi trường cụ thể thế nào, nếu có cơ sở khoa học, công khai thông tin và hợp lý thì vì một đô thị phát triển, dư luận sẽ ủng hộ.
"Ngay cả việc có đánh giá tác động môi trường rồi nhưng cần điều chỉnh thế nào, điều kiện xử lý nước thải cho dự án ra sao để đảm bảo môi trường sống, cảnh quan thì cũng cần được đưa ra bàn thảo một cách khoa học và cầu thị. Chứ không thể cho làm, rồi bảo dừng một cách bất nhất được”, ông Sơn nhấn mạnh.
Một chuyên gia kinh tế nói thẳng, chính quyền đã mời gọi, duyệt quy hoạch và cấp phép thì nhà đầu tư mới dám triển khai dự án. Nên chính quyền phải chịu trách nhiệm về việc này. Còn nếu cứ cấp phép trước, phát hiện thấy sai, thu hồi là việc làm bất nhất và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung tại các địa phương. Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ nêu quan điểm: Theo quy định, các dự án phát triển liên quan đến cộng đồng đều phải được lấy ý kiến người dân, nhà khoa học, nhà kinh tế… thật nghiêm túc. Tuy nhiên, chính quyền nhiều nơi đã bỏ qua hoặc chỉ thực hiện qua loa, mang tính hình thức. Đặc biệt, với Đà Nẵng, địa phương dẫn đầu kinh tế khu vực miền Trung, cần thể hiện tính chuyên nghiệp trong quy hoạch nói chung cũng như cách thu hút đầu tư. Tuyệt đối tránh tính bất nhất, tạo ra tiền lệ xấu cho môi trường đầu tư. Khi dừng dự án để rà soát, chắc chắn quyền lợi của các DN sẽ bị ảnh hưởng… Thế nên, việc rà soát phải được thực hiện càng nhanh càng tốt, tránh kéo dài lâu gây thiệt hại cho DN.
"Có những ý kiến từ dư luận phản ánh đúng nhưng cũng có điều chưa đúng. Vì vậy trách nhiệm của chính quyền là phải công khai, rõ ràng và đảm bảo được lợi ích của cả nhà nước, DN và người dân. Chính quyền TP.Đà Nẵng nói riêng và các địa phương nói chung cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xem xét, cấp phép cho các dự án mới", ông Lịch nói.
Bình luận (0)