Dừng dự án, nên thận trọng: Không đổ hết lên đầu doanh nghiệp

06/05/2019 06:56 GMT+7

Không chỉ ở Đà Nẵng, tình trạng đột nhiên thu hồi hay dừng dự án cũng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) sai phạm sẽ bị xử lý nhưng chính quyền không đúng cũng phải chịu trách nhiệm, nhất là khi gây thiệt hại cho DN.

Cấp hay rút phép đều cần căn cứ pháp lý

Mới đây, các nhà đầu tư vào Công ty sản xuất kinh doanh lâm sản Gia Lai cũng tá hỏa khi bị thu hồi dự án. Cụ thể, các nhà đầu tư từ TP.HCM đã bỏ tiền mua 95% dự án của Công ty lâm sản Gia Lai với số tiền 35 tỉ đồng và thực hiện quản lý từ tháng 6.2014. Tuy nhiên, do Công ty lâm sản Gia Lai thua lỗ, hoạt động trì trệ nên khi thực hiện việc tiếp nhận, nhóm nhà đầu tư từ TP.HCM phải cơ cấu lại hoạt động, giải quyết dần những tồn đọng như nợ ngân hàng, tiền thuê đất, trả lương, đóng BHXH cho nhân viên. Mới bắt đầu 1 tháng, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành thu hồi lô đất mà Công ty lâm sản Gia Lai đang thuê dù chưa kết thúc thời hạn thuê đất. Vụ việc lên đến đỉnh điểm với quyết định của UBND tỉnh Gia Lai ngày 6.6.2017 thu hồi lô đất trên, bồi thường giá trị tài sản trên đất chỉ hơn 1,6 tỉ đồng rồi tiến hành cưỡng chế vào ngày 18.4 vừa qua.
Các đơn vị quản lý có quyền chỉnh sửa quy hoạch. Nhưng nếu như việc thay đổi đó tác động lớn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hay người dân thì đơn vị này phải bồi thường. Điều đó khiến cho các đơn vị lập quy hoạch không thể tùy tiện thay đổi
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN
Hay với dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) vừa bị yêu cầu dừng trong giữa tháng 4, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng cho rằng, dự án có đầy đủ các thông tin về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng cho hay, nhà đầu tư đã hoàn thiện phần hạ tầng kỹ thuật và một số công trình nhà liên kế theo giấy phép xây dựng đã được cấp... Như vậy, cơ quan quản lý cũng không chỉ ra được dự án đã sai ở chỗ nào.
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, cần phải nêu rõ việc rút dự án là căn cứ vào đâu? Các căn cứ đó phải có tính pháp lý. Nếu không đúng pháp lý, việc rút giấy phép một dự án cũng không thuyết phục được dư luận. Việc các dự án được cấp phép, rồi bị rút giấy phép, ngoài các quy định về luật còn phải xem xét năng lực công chức trong việc thực thi. “Vai trò của các nhà quản lý chuyên môn khi thẩm định một dự án, hạ bút ký cấp phép là rất quan trọng. Thường các dự án đã được duyệt quy hoạch, nó đã được lấy ý kiến chuyên môn, nhà kinh tế học phản biện trước đó. Cuối cùng của mỗi dự án luôn bảo đảm lợi ích các bên liên quan, chính quyền - nhân dân và nhà đầu tư. Thế nên, để cho một dự án cấp phép, triển khai đến giai đoạn cuối, bảo ngưng thì trách nhiệm của các bên tham mưu phải liên đới. Không thể đổ hết lên đầu người dân và DN được”, PGS-TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.

Chính quyền sai phải chịu trách nhiệm


Việc một dự án đã được quy hoạch rõ ràng, nhưng chính quyền buộc phải cho dừng lại để nghe ngóng, lấy ý kiến lại đã được chuyên gia nhận định là “bất nhất” và “thiếu tự tin” trong điều hành.
TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Chính trị thế giới, nhận định thời gian qua, nhiều tiêu cực xảy ra liên quan đến đất đai ở các địa phương. Nhưng phải phân định rõ ràng, nếu các DN làm sai sẽ bị thu hồi dự án, xử phạt. Ngược lại, đôi khi chính quyền cũng sai. Có khi sai ngay từ khâu quy hoạch, dẫn đến cấp phép dự án trên quy hoạch sai nên sau đó phải dừng để sửa sai... Việc chỉ số PCI bị đánh giá thấp gần đây của Đà Nẵng cũng một phần cho thấy các điều kiện về môi trường đầu tư đã giảm sút và quan trọng là niềm tin của DN với địa phương cũng sụt giảm.
"Khi một dự án đã có quy hoạch, thực hiện đúng theo giấy phép nếu bị chính quyền rút vô căn cứ thì DN có quyền khiếu kiện, nhờ đến cơ quan pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Chính quyền các địa phương nói chung và Đà Nẵng nói riêng cần rút kinh nghiệm sâu sắc ngay từ bước đầu trong việc lập quy hoạch, phê duyệt dự án. Bởi khi đã ban hành quy hoạch cũng như cấp phép các dự án dựa trên quy hoạch đó thì không thể tùy tiện thay đổi. Điều đó sẽ làm mất niềm tin của người dân và DN vào chính quyền cũng như tạo tiền lệ không tốt cho các hoạt động kêu gọi đầu tư vào địa phương", TS Võ Đại Lược nhấn mạnh.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, phân tích: Quá trình thi hành luật đều mang tính hệ thống. Trong hệ thống đó, chỗ nào sai thì phải chịu trách nhiệm. Ví dụ trong việc Đà Nẵng, khi DN làm sai thì sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng DN không sai, làm đúng theo giấy phép nhưng vẫn bị ngừng dự án để điều chỉnh quy hoạch đồng nghĩa quy hoạch đó chưa đúng. Như vậy chính người ban hành quy hoạch phải chịu trách nhiệm chứ không phải đổ cái sai cho DN. “Các đơn vị quản lý có quyền chỉnh sửa quy hoạch. Nhưng nếu như việc thay đổi đó tác động lớn, gây thiệt hại cho DN hay người dân thì đơn vị này phải bồi thường. Điều đó khiến cho các đơn vị lập quy hoạch không thể tùy tiện thay đổi. Tư duy của nhiều cơ quan nhà nước tự cho mình có quyền hơn DN và người dân nên cứ sai là DN chịu thiệt thòi mà không biết kêu ai. Đây cũng là sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tại VN và kinh tế tư nhân vẫn bị chèn ép. Để hạn chế vấn đề tiền hậu bất nhất đó, chính quyền Đà Nẵng nói riêng và nhiều tỉnh thành nói chung cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng quy hoạch và cấp phép dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.