Và dự báo là “hố đen” này sẽ “nhả ra” những ca vi phạm pháp luật. Đơn cử như trường hợp các hacker mạng mới bị khởi tố gần đây liên quan đến việc tấn công website Báo điện tử VOV ngày 15.6 hoặc liên quan đến việc lấy cắp thông tin tài khoản cá nhân của nghệ sĩ rồi tung lên mạng.
Có người khai nhận lý do tấn công website VOV là “vô tư, không liên quan bà Phương Hằng”, có người khai là vì quá “thần tượng” và tự nguyện muốn thể hiện quan điểm ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng. Trường hợp một thiếu niên 16 tuổi ở Lâm Đồng lỡ sa vào “hố đen” này thì có thể giải thích và thông cảm được, là giải thích theo logic “trò trẻ trâu mà”. Nhưng những trường hợp còn lại quả là rất khó hiểu vì cái sự “vô tư” đến mức phi lý, nghe cứ như một trò đùa với pháp luật. Nếu cứ thần tượng ai đó rồi khi thấy thần tượng của mình bị bêu tên thì không cần biết đúng sai lập tức “tham chiến” để trả đũa ai đó đã dám làm tổn thương đến thần tượng của mình, chắc xã hội sẽ loạn lạc vì cuộc chiến của các fan cuồng mất thôi.
Trả đũa bằng lời qua tiếng lại trên mạng xã hội mà không giữ chừng mực phát ngôn là đã đủ để đối mặt với trách nhiệm pháp lý rồi, đằng này còn có luôn hành vi tấn công vào lợi ích của các tổ chức và cá nhân, gây ra thiệt hại nghiêm trọng, và tự đẩy bản thân mình vào cảnh phải đối mặt với án hình sự.
Sẽ có bao nhiêu người nữa có khi sẽ dính án vì kiểu hành vi “vô tư” ủng hộ thần tượng của mình mà đùa giỡn với kỷ cương pháp luật?
Pháp luật có thể “chậm rãi” đôi chút, vì phải tuân thủ các trình tự có tính pháp lý, vì phải tôn trọng các khuôn khổ của quy trình điều tra và tố tụng, nhưng chắc chắn pháp luật không phải để dễ mà “giỡn mặt”.
Tất cả những fan hâm mộ muốn lên tiếng bảo vệ “thần tượng” của mình đều không bị cấm, nhưng hãy tự nhắc nhớ cho bản thân rằng: “Bạn có quyền không nói, nhưng tất cả những gì bạn nói đều có thể được sử dụng làm bằng chứng chống lại bạn trước tòa”.
Tất cả những fan hâm mộ muốn bảo vệ “thần tượng” của mình đều có quyền thể hiện hành vi, nhưng nên tự biết đó phải là những hành vi phù hợp với khuôn khổ pháp luật. Đừng vì “bảo vệ” người này mà cho phép mình được quyền tấn công người khác và làm tổn hại quyền lợi, danh dự của họ. Vì đơn giản là, khi ấy người bị tổn hại sẽ sử dụng đến quyền của họ. Và quyền ấy được pháp luật thừa nhận. Tức là pháp luật sẽ vào cuộc, và ai sẽ trả giá đắt vì xem thường pháp luật thì chắc không quá khó để có câu trả lời sau cùng.
Bình luận (0)