Đừng hỏi vì sao sức mua yếu?

07/12/2023 04:14 GMT+7

Một loạt dịch vụ, sản phẩm đã và sẽ tăng giá trong thời gian tới khiến người dân và doanh nghiệp đều cảm thấy mệt mỏi. Giá vé máy bay đắt đỏ là vấn đề của ngành du lịch cả năm nay. Nhiều gia đình chính thức "cắt" đi chơi dịp Tết dương lịch này khi giá vé quá đắt đỏ.

Không ít người phải đổi phương án về quê dịp Tết Nguyên đán sắp tới bằng tàu lửa hay xe đò, thay vì hàng không. Có người thậm chí đã tính đến phương án "nhịn" đoàn tụ gia đình, đợi ra giêng vé tàu xe rẻ hơn rồi tính.

Thế nhưng mới nhất, trần giá vé đường bay nội địa tiếp tục tăng. Dù tới tháng 3.2024, quyết định này mới có hiệu lực nhưng thông tin tăng giá đúng thời điểm những dịp lễ lớn nhất trong năm là Tết dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới khiến tâm lý cả người dân và doanh nghiệp (DN) đều thất vọng. Người tiêu dùng chắt bóp, các DN du lịch lại "méo mặt". Họ đã kỳ vọng những dịp lễ lớn cuối cùng của năm sẽ gỡ gạc phần nào cho tình hình kinh doanh eo sèo trước đó nhưng giờ thì...

Không chỉ vé máy bay, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ các tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý khai thác từ tháng 1.2024 với mức tăng khoảng 12%. Trước đó, từ ngày 1.8 thì giá viện phí tại các cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội, TP.HCM đã tăng. Còn từ đầu năm tới nay, giá điện tăng tới 2 lần. Dù vậy, ngành điện vẫn lỗ nặng nên khả năng tiếp tục điều chỉnh là rất lớn. Giá nước sạch ở nhiều địa phương cũng tăng từ hồi tháng 7 và có lộ trình tăng tiếp vào đầu năm 2024. Chưa kể giá gạo, giá đường, giá nhiều thực phẩm, dịch vụ thiết yếu cũng đã được điều chỉnh. Nhìn chung thì ngành nào tăng cũng đều có lý do, đều thấy hợp lý. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế, sức mua đã suy giảm mạnh, thu nhập người dân tiếp tục bị bào mòn, DN khó khăn cả đầu vào đầu ra... thì sự hợp lý riêng lẻ của mỗi ngành lại chưa hợp lý với toàn cảnh.

Thứ nhất, sức mua suy giảm, mọi nỗ lực kích cầu chưa hiệu quả sẽ kéo theo tồn kho tăng, hệ thống sản xuất co hẹp, DN không tiêu thụ được hàng hóa buộc phải cắt giảm lao động, kéo theo thất nghiệp, thu nhập giảm... từ đó tác động trở lại với sức mua. Rõ ràng, việc tăng giá của một vài ngành đã ảnh hưởng đến nhiều ngành khác cũng như ảnh hưởng đến các chính sách phục hồi kinh tế nói chung.

Thứ hai, vẫn biết tăng giá thời điểm này là "cực chẳng đã", nhưng như đã nói từ đầu năm, kinh tế ở giai đoạn vô cùng khó khăn thì những sự "cực chẳng đã" này cũng cần có lộ trình, cần giãn ra chứ hết cái này lại đến cái kia tăng giá không chỉ tác động trực tiếp vào sức mua mà còn tác động về tâm lý, khiến DN, người dân cảm thấy mệt mỏi...

Thứ ba, Quốc hội vừa phê duyệt việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đến giữa năm sau; Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm thuế môi trường với xăng dầu đến hết năm, đồng thời quyết liệt tháo gỡ khó khăn về tín dụng, về pháp lý cho sản xuất, kinh doanh, bất động sản, du lịch... Tất cả để kích thích tổng cầu trong nền kinh tế. Nhưng cứ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thì bao giờ chính sách mới phát huy hiệu quả?

Thế nên, đừng hỏi vì sao sức mua không tăng dù chúng ta vẫn đang kích cầu bằng nhiều giải pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.