Dựng kịch “tuyên truyền” sao cho hấp dẫn

19/02/2023 00:33 GMT+7

Hội Sân khấu TP.HCM Tết năm nay có một sự kiện lạ, đó là Hội Sân khấu TP.HCM đầu tư kinh phí cho một đơn vị xã hội hóa để sản xuất vở diễn.


Sân khấu Thế Giới Trẻ đã ra mắt vở Thả thính mà hổng dính (tác giả Đăng Nhân, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), xếp lịch suốt mùa tết khán giả ngồi kín rạp. Từ sự kiện này sẽ mở ra một hướng mới cho việc đầu tư vào sân khấu.

TUYÊN TRUYỀN NHẸ NHÀNG

Thật ra mỗi năm Sở VH-TT TP.HCM và Hội Sân khấu đều có đầu tư cho sân khấu công lập để dựng các vở đi phục vụ và thường các vở có nội dung về cách mạng, tuyên truyền. Nhưng năm nay, theo đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: "Đầu tư cả trăm triệu, cộng với công sức anh em nghệ sĩ tập dợt vất vả quá, nhưng đi diễn ít suất thì thấy cũng phí. Chúng tôi bàn nhau nên để cho một đơn vị xã hội hóa biểu diễn thì khán giả sẽ đến nhiều hơn, vì họ có không gian quen thuộc, nghệ sĩ quen thuộc, khán giả quen thuộc, chính là một lợi thế không nhỏ. Và kịch bản cũng phải thay đổi đi, không nhất thiết phải là đề tài chính trị, cách mạng, mà đề tài gia đình, tâm lý, xã hội, cũng là một cách tuyên truyền nhân văn, khán giả sẽ mặn mà đi xem".

Dựng kịch “tuyên truyền” sao cho hấp dẫn - Ảnh 1.

Vở Thả thính mà hổng dính

Phương cách đầu tư là Hội chi tiền dựng vở, sân khấu vẫn bán vé bình thường như những vở khác, và doanh thu đó trang trải cát sê cho nghệ sĩ. Như vậy cả Hội lẫn sân khấu đều nhẹ gánh phân nửa. Năm nay, Hội thí điểm chọn Thế Giới Trẻ với lực lượng nghệ sĩ dồi dào, cơ sở vật chất kỹ thuật tốt, và chọn Thả thính mà hổng dính vì kịch bản này đoạt giải A năm 2021 do Hội Sân khấu TP.HCM trao tặng. Năm tới sẽ chọn dựng kịch bản giải A của năm 2022 và đầu tư cho một sân khấu xã hội hóa khác. Cứ thế mà làm luân phiên, cả Hội lẫn sân khấu xã hội hóa đều có tác phẩm đàng hoàng để ra mắt công chúng.

Quả thật Thả thính mà hổng dính rất dễ xem. Câu chuyện của một người trẻ ham chơi, bồng bột, khi bị tai nạn mất đi khả năng sinh hoạt mới thấy hụt hẫng, và đâm ra hận đời, bi quan, tự tử. Nhưng may mắn thay, anh đã được cứu sống và bình phục nhờ tình yêu của một cô gái, dần lấy lại niềm tin, niềm vui, tích cực. Bên cạnh đó là câu chuyện tình làng nghĩa xóm gần gũi, giúp đỡ nhau, dựa vào nhau mà sống.

Bà An Thi, quản lý Sân khấu Thế Giới Trẻ, nói: "Được đầu tư thì chúng tôi rất mừng, nhưng cũng yêu cầu Hội cho dàn dựng tác phẩm theo "màu" của Thế Giới Trẻ, đừng quá khô khan, mà phải thật đời, thật vui. Khi ra mắt, mọi người đều thấy dễ chịu, khán giả chấp nhận mua vé là thành công rồi". Diễn viên Nam Thư có một vai trong kịch bản, cũng vui vẻ nói: "Tôi không có cảm giác đang diễn tuyên truyền, mà mọi thứ đều quen thuộc như trước nay từng diễn nơi đây. Kịch bản tuy có thông điệp hơi lạ nhưng phong cách dàn dựng vẫn vui, trẻ, sinh động, chúng tôi dễ dàng nhập cuộc. Chỉ khác là đi tập thì không có lương như khi tập các vở xã hội hóa. Thôi thì thông cảm, vì kinh phí của Hội gói ghém mà. Vấn đề là vở được khán giả đón nhận thì chúng tôi đã mừng".

Dựng kịch “tuyên truyền” sao cho hấp dẫn - Ảnh 2.

Vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung

H.K

ĐƠN VỊ CÔNG LẬP CŨNG PHẢI THAY ĐỔI

Nhà hát Kịch TP.HCM là đơn vị công lập, mỗi năm đều nhận kinh phí và có nhiệm vụ dựng vở để phục vụ nhân dân, làm công tác tuyên truyền. Nhưng từ 2020 bỗng xuất hiện một xu hướng mới. Vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn đã gây ấn tượng rất mạnh, bởi tuy đề tài cách mạng nhưng nội dung rất dễ xem, với sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ trong vai thiếu niên, và đặc biệt là hình thức dàn dựng quá đẹp, lung linh sông nước, tạo không gian rất giỏi. Khán giả rung động không chỉ vì câu chuyện mà còn vì yếu tố thẩm mỹ. Ngoài ra, Hoàng Tấn còn dựng vở Phi đội K30 dành cho thiếu nhi, câu chuyện thật thú vị đi từ thế kỷ 30 trở lại thời Trạng Lường và thời bộ lạc giết con vật để hiến tế. Vở kịch vừa cung cấp kiến thức cho các em, vừa gửi thông điệp bảo vệ động vật, rất nhân văn.

Hoàng Tấn hiện đang phụ trách công tác Tổ chức biểu diễn của Nhà hát Kịch TP.HCM, cho biết: "Sau 3 năm tạm ngưng bởi nhà hát phải sửa chữa vì hỏa hoạn, năm 2023 này chúng tôi sẽ hoạt động trở lại và đi theo xu hướng mới. Tạm không dựng vở cách mạng, thay vào đó là một vở dành cho thiếu niên với nội dung bám sát cuộc sống hiện đại, và một vở lồng vào nghệ thuật hát bội, nhắc nhở đừng quên nghệ thuật truyền thống. Tôi nghĩ, đó là những vấn đề bức xúc hiện nay, mình tuyên truyền được thì rất tốt".

Riêng vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung năm nay sẽ được cấp kinh phí tái dựng với sự đầu tư nhiều hơn một chút, để đẹp hơn, sinh động hơn nữa. Hoàng Tấn nói: "Nếu có kịch cách mạng hay thì chúng tôi cũng dàn dựng, nhưng sẽ cố gắng làm sao cho hấp dẫn, chứ không thể làm kiểu cho xong nhiệm vụ rồi nhận kinh phí. Áp lực của đơn vị công lập là phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, nhưng làm không khéo, không hay thì bị khán giả quay lưng. Vậy phải dung hòa được "tuyên truyền" và "hấp dẫn" thì mới sinh tồn. Nghệ sĩ mà, khán giả không coi buồn lắm chứ. Chúng tôi phải đổi mới mình cho phù hợp với khán giả hôm nay".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.