Dùng ký sinh trùng ăn não chữa ung thư

02/09/2016 05:18 GMT+7

Sau khi phát hiện hơn 8.000 ca ung thư mới xuất phát từ nhiễm ký sinh trùng, các chuyên gia thử tái lập trình ký sinh trùng ăn não trong việc điều trị ung thư buồng trứng.

Ký sinh trùng Toxoplasma gondii, sau khi bị can thiệp gien, có thể là liệu pháp chữa ung thư - Ảnh: Shutterstock
Vào thế kỷ 20, giới chuyên gia phát hiện một số căn bệnh truyền nhiễm là nguy cơ đáng kể dẫn đến những ca phát ung thư cụ thể. Đáng ngại hơn, khoảng 1/6 số ca ung thư trên thế giới được quy cho các tác nhân viêm nhiễm, theo trang Phys.org. Trên toàn cầu, ít nhất 2 triệu ca ung thư bắt nguồn từ tình trạng nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng, và 2/3 số này diễn ra tại các nước đang phát triển. Dù giới y học biết được mối liên hệ giữa ký sinh trùng và ung thư trước thế kỷ 18, hiện giới chuyên gia đã nắm rõ hơn về sự liên hệ này, chẳng hạn sán lá gan Opisthorchis viverrini và Clonorchis sinensis là tác nhân làm gia tăng nguy cơ ung thư ống mật; sán lá máu Schistosoma haematobium có thể gây ung thư bàng quang. Trên toàn thế giới, 3 trường hợp nhiễm sán trên đã chịu trách nhiệm cho 8.300 ca ung thư mới trong năm 2012.


Ký sinh trùng có thể gây ung thư bằng cách trực tiếp thao túng các gien kiểm soát tăng trưởng trong tế bào chủ thể, khiến tế bào tăng trưởng quá mức. Chúng cũng có thể tác động thông qua quá trình nhiễm trùng lâu dài, kéo theo những thay đổi trong các tế bào nhiễm bệnh và những tế bào miễn dịch kế cận, hoặc bằng cách áp chế hệ miễn dịch của bệnh nhân, vốn đóng vai trò bảo vệ cơ thể chống một số dạng ung thư. Tuy nhiên, giới khoa học cũng biết được cơ chế phòng thủ của người có thể được tận dụng trong cuộc chiến chống tế bào ác tính. Mới đây, một báo cáo cho rằng ký sinh trùng ăn não có thể được lập trình lại để điều trị ung thư buồng trứng.

Trang The Conversation dẫn lời trợ lý giáo sư Hany Elsheikha của Đại học Nottingham (Anh) cho hay nhóm của ông phát hiện Toxoplasma gondii (hay T.gondii) có thể là công cụ điều trị ung thư do nó tiết ra các protein kích thích hệ miễn dịch tấn công khối u ở buồng trứng. T.gondii là ký sinh trùng có thể lây từ mèo sang người, và là nguyên nhân gây ung thư não. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu mới cho thấy có thể đảo ngược tác động có hại này. Trong cuộc nghiên cứu, các chuyên gia dùng công cụ điều chỉnh gien để loại bỏ các gien chịu trách nhiệm sản xuất các protein mà ký sinh trùng bơm vào tế bào chủ thể. Kế đến, họ đưa ký sinh trùng đã bị can thiệp gien vào cơ thể chuột bị ung thư buồng trứng. Nhóm T.gondii này bắt đầu kích hoạt phản ứng chống khối u, giúp kéo dài thời gian sống sót của chuột thêm ít nhất 40 ngày.
Hiện liệu pháp này vẫn không thể chữa dứt ung thư, nhưng cải thiện đáng kể thời gian sống của đối tượng. Trong thời gian tới, nhóm chuyên gia cần triển khai thêm các cuộc nghiên cứu nhằm tìm hiểu cách thức liệu pháp mới có thể tác động đến quá trình thu nhỏ khối u ở người.

tin liên quan

Tập thể dục có thể ngăn ngừa 7 loại ung thư phổ biến
Ai cũng biết tập thể dục có ích cho sức khỏe, nhưng nếu bạn muốn tìm kiếm một động lực để kích thích tinh thần tham gia đều đặn vào các hoạt động thể chất thì hãy đọc ngày bài viết này để có tinh thần thể dục thể thao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.