Dựng lại tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý

30/04/2021 06:38 GMT+7

Hiện vật phỏng dựng tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý đặt trong chùa Diên Hựu cho thấy vẻ đẹp mẫu mực của mỹ thuật thời kỳ này.

Đẹp từng chi tiết

Tìm lại hình dáng của tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý là việc đã khiến nhóm nghiên cứu di sản Sen Heritage theo đuổi nhiều năm. TS Trần Trọng Dương, thủ lĩnh của nhóm, cho biết hiện chưa tìm thấy hiện vật tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý nào. Tuy nhiên, dấu vết tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) cho thấy ở đây dường như có một di chỉ gắn với Thích Ca sơ sinh lộ thiên vào thời Lý. “Vào dịp Phật đản, người chủ lễ (có khi là hoàng đế) sẽ đi từ trên bậc thang xuống và tiến hành nghi lễ tắm Phật”,
TS Trần Trọng Dương cho biết tại buổi công bố việc dựng lại tòa Thích Ca sơ sinh tại chùa Diên Hựu thời Lý xưa.
Cũng theo ông Dương, trụ đá Bách Thảo (Hà Nội) hiện ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia và hiện vật trụ đá tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) hiện chỉ còn ảnh chụp thời Pháp đều liên quan đến tòa Thích Ca sơ sinh chùa Diên Hựu xưa. “Theo chúng tôi, đây là hai tòa bệ dùng để đặt tượng Thích Ca sơ sinh vào thời Lý, đều đẹp đến từng chi tiết”, TS Dương nói. Cụ thể, trụ đá Bách Thảo phía dưới có thân trụ tạc hình hai con rồng thời Lý cuốn quanh ở dưới, trụ đá Phật Tích ở sát phía trên với tòa sen. Khi ghép lại, chúng cho ra một tòa bệ cao chừng 1,65 m.
Phần tượng của tòa Thích Ca sơ sinh, nhờ ảnh chụp chùa Phật Tích thời Pháp, nhóm ông Dương có thể dựng một tượng đứng cao khoảng 35 - 45 cm. Chiều cao này giúp người hành lễ có thể thực hiện nghi lễ dễ dàng. Nhóm cũng đặt toàn bộ tòa Thích Ca sơ sinh này trên một sàn hình bát giác bằng gỗ màu đỏ nằm trên ao sen nơi có kiến trúc Một cột chùa Diên Hựu thời Lý.

Nghi lễ

Công chúng, sau khi đeo kính với công nghệ thực tế ảo, có thể nhìn thấy toàn bộ tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý ở chùa Diên Hựu. Họ cũng có thể gỡ từng bộ phận cấu thành của hiện vật này để xem kỹ, hoặc đi vòng xung quanh... Điều này hứa hẹn những tương tác với lịch sử giàu cảm xúc. Còn nhớ, khi kết quả nghiên cứu dựng lại chùa Diên Hựu được đưa tới Bảo tàng Mỹ thuật VN hồi năm ngoái, phòng trải nghiệm đã kín người liên tục.
TS Nguyễn Tô Lan (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đồng tình với việc trên bệ đá là tượng phật Thích Ca. Theo bà, có hai tượng phật được dựng rất nhiều trong các chùa Việt là tượng Thích Ca và tượng Quan âm. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Quan âm xuất hiện muộn hơn nhiều so với thờ Thích Ca. Bà cũng cho rằng nếu việc dựng tòa Thích Ca sơ sinh này có thêm thông tin về các nghi lễ tắm tượng thì càng tốt hơn.
Cũng theo nhóm Sen Heritage, tòa Thích Ca sơ sinh là trung tâm của nghi lễ tắm Phật trong văn hóa Phật giáo. “Từ thời Lý, tín ngưỡng thờ Thích Ca đản sinh gắn liền với ngày Phật đản 8.4 âm lịch và được đích thân vua thực hiện. Nghi lễ tắm tượng còn được thực hiện vào cả ngày rằm, mùng một”, TS Trần Trọng Dương cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.