Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Vị đắng dong riềng đăng trên Thanh Niên ngày 4.8.
Quá đau lòng
Cứ tưởng người nông dân trồng dong riềng phen này được dịp đổi đời. Ai ngờ sản phẩm làm ra không tiêu thụ được phải phá bỏ. Biết bao mồ hôi, công sức, tiền của bỗng chốc đổ sông đổ biển. Từng có cha mẹ là nông dân ở quê, đọc bài báo tôi cảm thấy quá đau lòng. Trần Văn An ([email protected])
Ai chịu trách nhiệm
Cả một chương trình hoành tráng mà không có nhà máy chế biến để nông dân thua lỗ, nhà nước có nguy cơ mất trắng nhiều tỉ đồng. Cần làm rõ ai sẽ chịu trách nhiệm. Nguyễn Thị Ngọc Thảo ([email protected])
Nhà nước cần có chiến lược
Không chỉ có dong riềng, ở nước ta nhiều loại cây trồng khác như cà phê, tiêu, cao su… cũng thường xuyên bị người dân chặt phá khi giá xuống quá thấp. Ngành nông nghiệp chúng ta thường nuôi trồng theo suy nghĩ chủ quan, thấy hiệu quả là cùng nhau làm mà không nghĩ đến hậu quả. Nhà nước cần có những chính sách chiến lược về vùng nguyên liệu chủ lực và đặc biệt nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Nguyễn Ngọc Vũ ([email protected])
Trước khi triển khai một dự án nông nghiệp nên tổ chức bàn bạc, đối thoại trực tiếp với người dân. Tìm hiểu kỹ thổ nhưỡng, môi trường có phù hợp và tìm đầu ra cho từng loại nông sản rồi mới áp dụng đại trà. Có như thế thì người nông dân mới đỡ khổ. Nguyễn Thị Bông (H.Quế Sơn, Quảng Nam) Làm lãnh đạo phải có tầm nhìn xa trông rộng. Dong riềng thiệt hại còn có thể khắc phục được, nhưng mất mát lớn nhất chính là sự mất niềm tin của người dân vào những người thực hiện chính sách. Làm ăn kiểu trời ơi như vậy thử hỏi lần sau vận động ai dám nghe theo nữa. Ngô Phạm Lê Nguyên (Q.Thủ Đức, TP.HCM) Công Sơn |
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
Bình luận (0)