Như Thanh Niên thông tin, tối 1.10, trên mạng xã hội xuất hiện clip được quay lại trong lớp học với tựa đề: "Thầy giáo lại ứng xử không giống thầy giáo". Trong đoạn clip dài hơn 20 giây, thầy giáo đứng trên bục giảng, chỉ tay vào mặt, túm cằm và mắng té tát một học sinh, xưng mày - tao với học sinh và đỉnh điểm là câu: "Mày có hiểu không, con chó này. Về!". Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã kiểm tra và xác nhận sự việc xảy ra tại Trường THPT Phan Huy Chú - Thạch Thất, một trong những trường THPT tư thục ở Hà Nội.
Trong khi đó, liên quan đến clip một giáo viên có hành động túm cổ áo và kéo lê nữ sinh từ hành lang vào lớp học xảy ra tại Trường THPT Đa Phúc (H.Sóc Sơn, Hà Nội), Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo. Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã nhận được báo cáo của Trường THPT Đa Phúc về vụ việc clip đăng tải trên mạng xã hội liên quan đến bà N.T.P, giáo viên của trường. Trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh, kết luận chính thức vụ việc, Sở GD-ĐT yêu cầu Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp và tư vấn tâm lý học đường đối với bà P. theo quy định.
Buồn và sốc!
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho biết rất bức xúc trước những hình ảnh, cách ứng xử của giáo viên với học sinh như trên. "Xem những hình ảnh trên tôi thật sự bị sốc! Dù việc xảy ra có là lỗi của học sinh hay giáo viên thì chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi cho cách ứng xử của người thầy và đạo đức của người làm nghề giáo. Một nốt trầm trong ngành giáo dục VN!", BĐ Quoc Hung tâm tư.
Cùng quan điểm, BĐ Huy Hoàng ý kiến: "Nói thẳng, thầy cô giáo mà như vậy thì dạy được ai? Xin đừng làm xấu hình ảnh nghề giáo. Đọc tin mà buồn thay cho ngành giáo dục vì một vài con sâu làm rầu nồi canh. Dù cho bất cứ lý do gì thì cách hành xử như vậy ở chốn học đường là không thể chấp nhận".
Còn BĐ Dung Pham viết: "Bạo lực học đường luôn là vấn đề được quan tâm hiện nay nhưng dường như vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Bản thân tôi là phụ huynh, cảm thấy khá bức xúc khi nhìn thấy cách ứng xử kém văn minh của một vài người làm trong lĩnh vực giáo dục. Thử hỏi ngay cả bản thân hành xử còn như vậy thì dạy được cho ai?".
"Người ta thường nói trẻ em là tấm gương phản chiếu của người lớn. Thử hỏi một người với cách hành xử như vậy thì có xứng đáng để các em nhỏ noi theo không? Đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm túc chấn chỉnh những hành vi như vậy trước khi để nó trở thành một vấn đề lớn, mối lo của xã hội", BĐ Nguyen Thanh thẳng thắn.
Nên siết chặt đạo đức và tay nghề
Nhiều ý kiến đề nghị ngành giáo dục cần có những hành động quyết liệt để những vụ việc tương tự không xảy ra trong tương lai. "Nên chăng cần có bộ quy tắc ứng xử cho giáo viên và học sinh", BĐ Thanh Tú đề nghị.
BĐ Thạch Phương ý kiến: "Một việc làm xấu xí của người từng được trân quý gọi là nhà giáo. Đã là người làm trong lĩnh vực giáo dục thì đạo đức phải đặt lên hàng đầu. Chỉ như vậy mới có thể làm gương cho học trò. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại một cách toàn diện nhằm có cách giải quyết hiệu quả hơn để trong tương lai những hình ảnh xấu xí này không còn tồn tại trong môi trường giáo dục".
"Bạo lực học đường đâu chỉ xuất phát từ các học sinh với nhau, nó còn bắt nguồn từ chính những người làm công tác giáo dục thì thật đáng buồn. Đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo có vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục, hy vọng ngành giáo dục có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm để làm gương. Bên cạnh đó công tác quản lý cũng phải chặt chẽ hơn, cần siết chặt đạo đức và tay nghề giáo viên, để tránh tình trạng mất bò mới lo làm chuồng", BĐ Trọng Đức góp ý.
Bình luận (0)