Đừng lao vào trào lưu 'chê gì được nấy'

04/05/2023 14:39 GMT+7

'Chê gì được nấy' trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Nhiều người mong muốn điều gì là viết status "chê điều đó" đăng lên Facebook. Nhưng không nên "lậm" theo "trend" này.

Đừng lao vào trào lưu 'chê gì được nấy'  - Ảnh 1.

Trào lưu "chê gì được nấy" thu hút dân mạng, nhất là những người trẻ

CHỤP MÀN HÌNH

"Chê tiền tỉ", "Chê giàu có"...

Trào lưu "chê gì được nấy"khởi đầu từ một Facebooker kinh doanh đồ phong thủy. Người này đăng bài "chê 12 tỉ" đồng thời cho rằng "đúng là chuyện tâm linh không đùa được đâu". Sau đó người này cũng đăng ảnh khoe số dư tài khoản ngân hàng là hơn 12 tỉ. 

Theo người này "chê gì sẽ được nấy". Mà việc cô "chê 12 tỉ" là có được 12 tỉ trong tài khoản chính là một minh chứng rõ nét.

Chuyện chỉ có vậy, thế mà dân mạng tin sái cổ và tạo nên một trào lưu thu hút số lượng lớn người tham gia.

Chỉ sau bài viết của Facebooker khởi đầu cho trào lưu "chê gì được nấy" thu hút hơn cả 14 ngàn người yêu thích, hơn 60 người chia sẻ và gần cả chục ngàn bình luận.

Trong số vô vàng bình luận ấy, người dùng Facebook đều chê cái này, chê cái kia với niềm tin mãnh liệt rằng những điều họ chê ấy sẽ thành hiện thực.

Có người bắt chước và hưởng ứng trào lưu "chê gì được nấy" bằng cách đăng tải lên Facebook cá nhân những dòng: "Chê 1 tỉ", "Chê được chốt 10 đơn hàng", "Chê con cai sữa", "Chê mua được nhà", "Chê mua được ô tô"... mà mục đích chính của họ chính là mong được có 1 tỉ đồng, mong được chốt 10 đơn hàng, mong con nhỏ sẽ cai sữa, mong mua được nhà, mua được ô tô...

Phan Thị Mỹ Lệ (26 tuổi), làm việc ở công ty TNHH MTV Beauty Cát Tiên, Q.Phú Nhuận, TP.HCM cho biết cũng tham gia trào lưu này bằng cách viết "chê khách hàng đông mỗi ngày".

Hay như Trần Văn Đại (32 tuổi), làm việc ở công ty TNHH TM DV Hưng Thịnh VN, Q.12, TP.HCM cũng thường xuyên đăng tải những status (trạng thái) "chê khách đông", "chê 500 triệu", "chê xe ô tô"...

Có thể nói, khoảng thời gian gần đây, "chê gì được nấy" trở thành một trong những trào lưu "chiếm sóng" trên Facebook.

Đừng lao vào trào lưu 'chê gì được nấy'  - Ảnh 2.

Dân mạng đã và đang hưởng ứng trào lưu "chê gì được nấy" một cách nhiệt tình

CHỤP MÀN HÌNH

Coi chừng!

Những học sinh, sinh viên cũng không bỏ lỡ tham gia trào lưu "chê gì được nấy". Thay vì "chê tiền tỉ", "chê mua nhà", "chê mua xe" như những người lớn hơn, giới học sinh lại "chê học sinh giỏi", "chê thi tốt kỳ thi THPT", giới sinh viên thì "chê qua môn", "chê kiếm được việc làm ngay sau khi ra trường"...

Những anh chàng, cô nàng còn độc thân lẻ bóng thì cầu ước sớm có người yêu bên cạnh bằng cách viết status "chê người yêu đẹp trai", "chê người yêu xinh đẹp"...

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Tuyết (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: "Không hiểu sao người trẻ lại lao vào trào lưu "chê gì được nấy". Làm gì trên đời có chuyện chê gì thì được nấy? Ngay cái tên của trào lưu đã chỉ rõ sự mâu thuẫn. Chưa kể việc thành công hay may mắn không tự dưng đến với những người ngồi im mà không có cố gắng, không có nỗ lực trong học tập, công việc".

Chị Tuyết nói: "Thay vì "ngồi yên chờ sung rụng", chê cái này chê cái kia với ước mong đạt được những thứ ấy, thì hãy cố gắng học tập, ôn thi để có kết quả thi tốt. Tại sao lại "chê việc làm tốt khi ra trường" mà không cố gắng học thật tốt trên giảng đường, trau dồi những kỹ năng mềm? Và thay vì "chê 1 tỉ" thì hãy nỗ lực làm việc, có kế hoạch chi tiêu hợp lý để có tiền nhiều. Cũng đừng nên vì muốn mua được ô tô, tậu được nhà mà ngồi trên mạng viết những trạng thái "chê ô tô", "chê mua nhà". Hãy làm việc và tích cóp từng ngày để có những số tiền dư mà chi tiêu theo như ước muốn".

Đừng lao vào trào lưu 'chê gì được nấy'  - Ảnh 3.

Nhiều người "chê cái này, chê cái kia" vì mong những điều đó thành hiện thực

CHỤP MÀN HÌNH

Chị Tuyết khẳng định: "Trào lưu này là một hình thức mê tín dị đoan. Người trẻ không nên sa vào, không nên hưởng ứng. Vì nếu có hưởng ứng mà không tự lực cánh sinh thì những may mắn chắc chắn sẽ không đến. Cứ "lậm" vào trào lưu này thì coi chừng cuộc đời bế tắc hơn. Vốn chưa chăm chỉ mà cứ ngồi "chê điểm cao" thì sẽ nhận được những điểm số thấp. Nếu cuộc sống với đầy rẫy áp lực thiếu thốn mà chỉ biết lên Facebook "chê lương cao", "chê cuộc sống đầy đủ" thì khó khăn vẫn bủa vây".

Thực tế, như lời của Mỹ Lệ chia sẻ, dù khá chăm chỉ trong việc viết status "chê khách hàng đông", "chê ngày nào cũng đông khách"... nhưng "đời không như là mơ", khách đến rất hạn chế, thậm chí có ngày vắng khách.

Tương tự, Văn Đại cũng kể thật những ước muốn được chuyển tải thành lời "chê" mà chàng trai này đăng lên Facebook chẳng xảy ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.