Một bác nông dân tự hào nói nơi đây đầu nguồn, nước không thiếu nên cứ tưới thoải mái mà không ngại, vì vậy mà cà phê của ông quanh năm xanh tốt! Nghe qua thấy vui, nhưng nghĩ kỹ, tôi mong người nông dân ấy nghĩ lại...
Có một phóng sự truyền hình đưa thông tin về việc bà con nông dân sử dụng nguồn nước thiên nhiên ở đầu nguồn sông ĐăkBla (Kon Tum) tưới cho rẫy cà phê. Điện đã có sẵn, người nông dân chỉ việc gắn máy bơm vào là có nguồn nước mát lành tưới cho rẫy.
Một bác nông dân tự hào nói nơi đây đầu nguồn, nước không thiếu nên cứ tưới thoải mái mà không ngại, vì vậy mà cà phê của ông quanh năm xanh tốt! Nghe qua thấy vui, nhưng nghĩ kỹ, tôi mong người nông dân ấy nghĩ lại...
Nước trong thiên nhiên là tài sản chung của quốc gia, là tài nguyên phục vụ cho đời sống nhân dân trên toàn lãnh thổ quốc gia ấy. Sông có đầu nguồn thì phải có cuối nguồn. Đầu nguồn sông ĐăkBla nằm trên cao nguyên Kon Tum, cuối nguồn là đồng bằng Quảng Ngãi.
Người ở đầu nguồn may mắn có được dòng nước trong lành, phong phú thì nên nghĩ đến người ở cuối nguồn cũng đang cần dòng nước ấy để dùng vào sinh hoạt ăn uống hằng ngày, chăn nuôi gia súc và tưới cho hoa màu. Có những năm đại hạn như năm này, mực nước cuối nguồn sông Vệ (Quảng Ngãi) đang xuống thấp. Vậy thì ta không nên bơm tưới thoải mái mà bỏ quên những bà con ta ở cuối nguồn Quảng Ngãi đang cần đến dòng nước ấy như ta.
Chưa bao giờ tình trạng hạn hán và nhiễm mặn diễn ra khốc liệt ngay trong mùa xuân, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống dân cư và nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta như năm nay. Hạn hán khiến bà con các tỉnh cao nguyên và nam Trung bộ như Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận thiếu nước uống và nước sinh hoạt đến độ bối rối.
Hạn hán khiến đồng ruộng H.Chư Pảh (Gia Lai) chết khô. Hạn hán khiến các hồ chứa nước tỉnh Ninh Thuận khô cạn, phải cắt đi 30.000 ha lúa, chuyển đổi cây trồng qua những loại cây ít dùng nước như đậu nành và bắp, khuyến cáo không nuôi thêm gia súc và chuyển đổi đàn gia súc truyền thống để giảm thiệt hại. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương lo nước uống cho nhân dân, ít nhất mỗi hộ phải có được 40 lít/ngày để lo cho cái ăn và cái uống.
Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa và trái cây lớn nhất nước, đang bị nước mặn xâm thực nặng nề. Đồng bằng có 12 tỉnh và thành phố, trừ tỉnh Đồng Tháp nằm sâu trong nội địa và ở vào đầu nguồn sông Cửu Long nên không bị nhiễm mặn, các tỉnh và thành phố còn lại đều bị nước biển mặn xâm thực. TP.Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm đồng bằng, vốn là nơi nổi tiếng trái ngọt cây lành, xa bờ biển đến 90 km nhưng vẫn bị nhiễm mặn hoành hành.
Toàn Nam bộ đã có khoảng 200.000 ha lúa nhiễm mặn, trong đó Kiên Giang thiệt hại nặng với 30.000 ha lúa chết khô mà không thu hoạch được hạt nào. Một vùng Gò Công (Tiền Giang) vốn là đất bờ xôi ruộng mật, nay bị nhiễm mặn cũng khiến bà con nông dân xót xa. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ nông dân các nơi bị nước mặn xâm thực, mỗi héc ta lúa thiệt hại nhận được 2 triệu đồng.
Các tỉnh Nam bộ đã nghĩ đến việc xây dựng những công trình thủy lợi trữ ngọt - ngăn mặn từ rất lâu. Tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng hệ thống cống trữ ngọt, tạo ra vùng ngọt hóa từ nước kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đổ về.
Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng thành công công trình trữ ngọt Nam Mang Thít, bao bọc một vùng rộng lớn 170.000 ha lúa. Tỉnh Bến Tre đã nỗ lực xây dựng hai cống ngăn mặn cho hai dòng sông lớn, đặc sắc nhất là công trình Ba Lai, bảo vệ được vùng lúa và hoa màu tươi tốt.
Thế nhưng, hệ thống sông Cửu Long gồm 9 nhánh lớn đổ ra 9 cửa biển, trong mỗi nhánh lớn còn có hàng ngàn phụ lưu, kênh, rạch thông với biển cả. Năm qua, mùa nước nổi ở thượng nguồn sông Cửu Long không có, lượng nước đổ về đồng bằng chỉ đạt 40% lượng nước những năm trước nên vừa thiếu nước để đẩy mặn ra biển, vừa thiếu nước để trữ ngọt.
Mùa mưa chưa đến, những thông tin khí tượng thủy văn cho biết tình hình hạn hán có thể kéo dài qua tháng 9 dương lịch. Trong hoàn cảnh như vậy, việc tiết kiệm nước phải là mệnh lệnh của trái tim và khối óc của mỗi công dân, mỗi gia đình, mỗi địa phương, mỗi cơ quan điều hành thủy lợi.
Ngay trong thời gian nghỉ tết, các cơ quan điều hành thủy lợi và các địa phương ở đồng bằng Bắc bộ đã thông báo cho nhân dân lịch lấy nước sông Hồng đổ ải cho đồng ruộng làm vụ lúa xuân - hè. Bà con nông dân đã ra đồng sớm lấy nước lo mùa vụ, niềm vui hiện rõ trên những khuôn mặt.
Các vị lãnh đạo địa phương đã cùng nhân dân xuống ruộng, thực hiện lễ Hạ điền cày cấy đầu năm. Tinh thần kỷ luật ấy đã giúp cho lịch lấy nước vượt thời gian, tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc.
Khu vực trung Trung bộ cũng lấy nước đổ ải cho ruộng đồng rất nghiêm túc. Tỉnh Quảng Nam có hệ thống tài nguyên nước phong phú, ngoài đại công trình thủy lợi Phú Ninh ra thì nhiều huyện còn những hồ chứa nước khác. Các cơ quan chính quyền và điều hành thủy lợi ở đây luôn yêu cầu bà con nông dân tuân thủ lịch lấy nước cho ruộng đồng. Tất cả đều nghĩ đến việc tiết kiệm nước, tiết kiệm công sức và tiền bạc cho cả chính quyền và nhân dân.
Đơn cử ở H.Duy Xuyên (Quảng Nam), có một cách tiết kiệm nước khá hữu hiệu. Huyện có 14 xã và thị trấn, phần lớn bà con làm nông nghiệp, có ba nguồn nước thủy lợi chính là nước Phú Ninh, đập Thạch Bàn và đập Vĩnh Trinh.
Công tác điều hành lấy nước cho ruộng đồng các xã do ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN-PTNT phụ trách. Lịch lấy nước đã phổ biến về các xã, thị trấn nhưng ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư kiêm Chủ tịch huyện, cũng thận trọng gọi cho các vị chủ tịch xã nhắc lại và nhắc bà con nông dân ra đồng đưa nước vào ruộng. Bà con nông dân cứ thế lo cho ruộng rẫy của mình.
Nhờ vậy mà nhiều năm qua, huyện này sản xuất tốt, nông thôn ấm no, không có hộ nào thiếu ăn. Điều thành công hơn nữa là huyện này ở sát biển, mùa hạn kéo dài từ tháng 5 - 8 nhưng nhân dân vẫn đủ nước uống, nước sinh hoạt tắm giặt.
Những việc làm đầy tinh thần trách nhiệm như vậy thật cần thiết để góp phần chống lại sự biến đổi thời tiết, hạn hán, xâm thực mặn. Biến đổi thời tiết, hạn hán, xâm thực mặn là những tình huống mới.
Mà tình huống mới thì lại cần đến các đối sách mới, ứng phó mới, cách làm mới để thích nghi với thực tế và chiến thắng thiên nhiên. Trong bất cứ đối sách, ứng phó, cách làm mới này có một việc tưởng mới nhưng lại rất quen thuộc là tiết kiệm nước ngọt - nguồn tài nguyên quý giá nhất của đất nước.
Hãy nghĩ đến bà con chúng ta ở Ninh Thuận và Bình Thuận! Họ bỏ ra 30 triệu đồng, khoan một mũi khoan sâu đến trên 30 m nhưng vẫn không tìm ra được giọt nước ngọt nào. Nước uống và nước ăn được nhận mỗi ngày 40 lít nhưng con người thì phải tắm, phải giặt nữa chứ!
Những đôi chân của các em thiếu nhi thiếu nước tắm, da khô lại và nổi mốc meo, lại bị thêm bệnh ghẻ ngứa, chốc đầu, chấy rận khiến lòng chúng ta xót xa. Tiết kiệm nguồn nước thiên nhiên là một cách chia sẻ khó khăn, vất vả với đồng bào.
Biến đổi khí hậu, hạn hán, nhiễm mặn không của riêng ai. Chúng ta nên phát huy tinh thần trách nhiệm và tình nghĩa đồng bào, tự giác tiết kiệm nước. Ở những nơi có nguồn nước phong phú, việc tắm giặt cũng nên vừa phải, tưới cây, rửa chén bát, lau nhà cũng vừa phải.
Ở những nơi đầu nguồn quanh năm không sợ thiếu nước, chúng ta tự giác tưới rẫy vừa phải, dành bớt nguồn nước quý giá cho bà con ở hạ du. Ở những nơi có nguồn nước thủy lợi, chúng ta tự giác lấy nước theo đúng lịch trình, không lấy thừa ngoài mục đích lo cho đồng ruộng.
“Mùa xuân, em xõa tóc bên hiên/Có hỏi nhờ đâu, em được mái tóc nâu huyền/Bình minh, anh tưới luống rau xanh/Có hỏi nhờ ai, nhờ ai có nước trong lành/Người đi về Eo Gió, người đi xa đồi Tam Sơn/Nước lên hồ xanh là con nước của ân tình” - ca từ của một bài hát viết như vậy.
Có những người nông dân hy sinh nhà cửa, quyền lợi riêng tư, bỏ làng ra đi thì mới có được lòng hồ chứa nước ngọt phục vụ cho hàng triệu người khác gội đầu, tưới rau, làm ruộng. Xin hãy vì nhau mà tiết kiệm nguồn nước ngọt quý giá!
Bình luận (0)