Theo lương y Như Tá, với y học cổ truyền, mía có vị ngọt, tính mát, giúp thanh nhiệt, điều hòa chức năng của dạ dày. Mía giúp sinh tân dịch cho cơ thể, và còn dùng trong trường hợp bị sốt cao, ho do thời tiết, bổ tâm tỳ... Thầy thuốc cổ truyền thường dùng mía để điều trị các chứng khô miệng lưỡi, tân dịch cơ thể bị thiếu, chứng táo bón, rối loạn tiêu hóa.
Những gia đình ở quê, vùng ven, trong vườn nhà, bờ rào thường có trồng hàng mía, thì có thể vận dụng mía cho một số trường hợp như:
Nếu táo bón do chế độ ăn uống, dùng thân cây mía rửa sạch ép lấy một ly nước, cho vào một ít mật ong, dùng lúc bụng đói vào buổi sáng và chiều.
Phụ nữ mang thai bị tình trạng ốm nghén (hay buồn nôn) thì dùng mía cây rửa sạch, ép lấy nước chừng một ly, rồi cho thêm ít nước gừng tươi vào để uống.
Với người bị viêm dạ dày mãn tính thì dùng mía cây lóc bỏ vỏ, rửa sạch, ép lấy nước (một lượng vừa uống với mỗi người), rồi cho vào cùng một ít nước ép từ củ gừng tươi để dùng trong ngày.
Trường hợp cơ thể bị nóng sốt do cảm mạo bởi thời tiết mưa nắng, thì dùng vài thân cây mía và một ít củ năng, rửa sạch cả hai và nấu chung lấy nước dùng trong ngày.
Trường hợp ho cũng do thời tiết, do cảm mạo thông thường thì dùng vài thân cây mía, rửa sạch đem nấu với một ít gạo loại ngon (lượng vừa dùng mỗi người) để dùng cơm.
Thanh Tùng
Bình luận (0)