Dùng ngón tay ngoáy mũi có làm mũi to hơn?

13/01/2023 04:00 GMT+7

Tôi nghe nói dùng ngón tay ngoáy mũi làm mũi to có đúng không? Nhân đây cho tôi hỏi lấy gỉ mũi sao cho cho đúng cách để không ảnh hưởng đến mũi và sức khỏe? Xin cảm ơn bác sĩ! (T.L, ở TP.HCM).

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Văn Vĩnh Quyền, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời câu hỏi trên như sau:

Theo lý thuyết, với lực nong từ ngón tay nếu diễn ra liên tục và kéo dài có thể làm rộng lỗ mũi trước. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian ngoáy mũi bằng đầu ngón tay sẽ không đủ dài để gây biến dạng mũi (làm mũi to).

Thời gian ngoáy mũi bằng đầu ngón tay sẽ không đủ dài để gây biến dạng mũi

shutterstock

Ở người bình thường, niêm mạc lót trong hốc mũi và xác xoang cạnh mũi luôn tiết ra một lớp dịch sinh lý, dịch này trải đều khắp niêm mạc hốc mũi rồi được hệ thống lông chuyển đẩy ra cửa mũi sau chảy xuống họng. Vì một lý do nào đó, chẳng hạn do viêm nhiễm, do kích ứng, dị ứng… lượng dịch được tiết ra nhiều hơn bình thường gây chảy mũi ra phía trước, ta còn gọi là chảy nước mũi. Lớp nước mũi này khi cô đặc lại sẽ tạo nên gỉ mũi gây tắc lỗ mũi trước tạo cảm giác nghẹt mũi, ngứa mũi và kích thích chúng ta ngoáy mũi. Vì thế khi gỉ mũi đóng nhiều gây nghẹt mũi, khó chịu, chúng ta có thể ngoáy nhẹ vùng lỗ mũi trước để lấy gỉ mũi ra, hoặc có thể dùng các loại nước xịt mũi (chứa nước muối đẳng trương) để làm mềm gỉ mũi và hỉ mũi ra.

Tuy nhiên việc quá lạm dụng việc ngoáy mũi có thể dẫn đến những tác động không mong muốn như: chảy máu mũi, loét niêm mạc mũi, gây nhiễm trùng tại chỗ…

Ngoáy mũi đúng cách để không ảnh hưởng đến sức khỏe

Thông thường dịch tiết niêm mạc mũi xoang sẽ tự động chảy xuống họng nên sẽ không hình thành gỉ mũi, do đó không cần ngoáy mũi thường xuyên.

Khi có triệu chứng chảy nước mũi nhiều, chúng ta cần được khám tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây chảy mũi.

Khi đã hình thành gỉ mũi gây nghẹt mũi và khó chịu chúng ta có thể xịt nước muối đẳng trương dạng phun sương làm mềm gỉ mũi, gảy nhẹ hoặc hỉ nhẹ để đẩy gỉ mũi ra ngoài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.