Đừng nhầm lẫn hoạt động trải nghiệm với tham quan, du lịch

09/03/2024 15:44 GMT+7

Nhiều năm trước đây, việc tổ chức cho học sinh tham quan di tích văn hóa lịch sử, cảnh đẹp… không đặt nặng việc học tập. Đa phần vẫn là những chuyến đi chơi để học sinh giải trí, thư giãn sau thời gian học tập, thi cử.

Từ khi ngành giáo dục đặt ra yêu cầu giảng dạy tích hợp, tăng cường giáo dục học sinh qua trải nghiệm thực tế, các trường lưu tâm nhiều hơn đến hoạt động này.

Giáo viên cần soạn giáo án nghiêm túc cho hoạt động trải nghiệm

Ngay cả nhiều trường bậc tiểu học cũng tổ chức cho học sinh đến trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, rau củ quả...

Học sinh ở thành phố có thể lạ lẫm với hoạt động này, nhưng các em vùng nông thôn hàng ngày khá quen thuộc với sinh hoạt, việc làm của gia đình nên sự hào hứng không cao.

Các buổi trải nghiệm thường gói gọn trong một ngày. Riêng khoảng di chuyển bằng xe đi về mất khá nhiều thời gian. Không ít phụ huynh vì con còn nhỏ, chưa yên tâm với sự quản lý ngoài giờ học của thầy cô nên đóng tiền để cùng tham dự với con em.

Nếu là tham quan, du lịch, nội dung chuyến đi chỉ nhằm mục tiêu nâng cao hiểu biết và tạo sự thư giãn cho học sinh. Tuy nhiên, nếu là hoạt động trải nghiệm, dạy tích hợp, người thầy phải soạn giáo án nghiêm túc. Cụ thể, hoạt động trải nghiệm phải có nội dung chính xác, đặt ra yêu cầu về kiến thức (tích hợp liên môn như thế nào), phẩm chất, năng lực học sinh cần đạt được...

Đừng nhầm lẫn hoạt động trải nghiệm với tham quan, du lịch- Ảnh 1.

Học sinh trong một hoạt động trải nghiệm thực tế

NGUYỄN HỮU NHÂN

Kinh nghiệm khi tổ chức hoạt động trải nghiệm cho thấy giáo viên phải soạn kế hoạch chi tiết, cân nhắc về độ tuổi, khối lớp, chương trình, hoàn cảnh cụ thể của địa phương.

Chẳng hạn, trước khi tổ chức cho học sinh trải nghiệm tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM), người viết - giáo viên dạy lịch sử - thường phổ biến kế hoạch thực hiện đến từng học sinh.

Học sinh không chỉ đến nhìn hiện vật, tranh ảnh, xem phim rồi về mà phải giải quyết phần bài tập do giáo viên đưa ra trên cơ sở yêu cầu các em quan sát, ghi nhận, phân tích, so sánh, đánh giá nội dung tiếp thu.

Hình thức kiểm tra là giải quyết phần câu hỏi trắc nghiệm có thể hoàn thành tại chỗ, phần tự luận có thể về nhà thực hiện rồi nộp cho giáo viên. Nội dung kiểm tra có sự phối hợp giữa thầy cô các bộ môn liên quan như: sử, địa, giáo dục công dân, ngữ văn, tiếng nước ngoài, tin học..

Học sinh được khuyến khích tăng cường ghi chép, chụp ảnh mô tả hiện vật, quay clip… để làm minh chứng cho phần giải quyết bài tập của giáo viên đưa ra. Điều này giúp hạn chế tình trạng học sinh xem hoạt động trải nghiệm chỉ là một chuyến đi chơi, giải trí, mà quên đi việc làm giàu kiến thức.

Không nên xem hoạt động trải nghiệm là tham quan, du lịch

Nhà trường cần tổ chức hoạt động trải nghiệm tách bạch rõ ràng với tham quan, du lịch, nghỉ mát... bằng cách đưa ra yêu cầu đánh giá hoạt động.

Nội dung hoạt động trải nghiệm nên được thông tin đến phụ huynh học sinh từ trước. Những buổi trải nghiệm do người viết cùng đồng nghiệp tổ chức luôn được báo cáo về nhà trường, gia đình học sinh kịp thời, đầy đủ qua video call, Zalo, Facebook…

Đừng nhầm lẫn hoạt động trải nghiệm với tham quan, du lịch- Ảnh 2.

Giáo viên cùng học sinh trong một hoạt động trải nghiệm thực tế

NVCC

Quan trọng nhất là kế hoạch tổ chức được chuẩn bị ngay đầu năm và được lãnh đạo nhà trường, cấp quản lý, cha mẹ học sinh đồng thuận. Ngay cả chi phí cho việc đưa học sinh tham gia trải nghiệm cũng được tính toán sao cho ít tốn kém nhất, không làm phụ huynh phải bối rối, thời gian gói gọn nhất, học sinh được chăm sóc kỹ càng, ăn uống đầy đủ mà vẫn đạt hiệu quả giáo dục cao.

Hoạt động trải nghiệm cũng không phải là điều quá mới hay khó thực hiện đối với giáo viên. Nếu có sự đầu tư, phối hợp cùng đồng nghiệp về nội dung, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và sự ủng hộ của cấp trên chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.