Khó biết mình mắc bệnh
Trước tiên phải xác định đây là bệnh của phái nam (vì phái nữ làm gì hân hạnh có được tuyến tiền liệt!). Người ta thường nói vui rằng, phải chăng tạo hóa cũng sắp xếp cho có sự công bằng giữa nam giới và nữ giới, bởi phụ nữ đã quá lo lắng cho các bệnh về cổ tử cung, vú... Tuyến tiền liệt có chức năng tiết ra phần lớn tinh dịch, có nhiệm vụ co bóp trong lúc phóng tinh, để tống tinh dịch ra ngoài.
Ở bài này, chúng tôi đề cập đến bướu lành tiền liệt tuyến - một loại bệnh hay gặp ở nam giới, đứng hàng thứ hai trong các bệnh lý niệu khoa (chiếm khoảng 18%), chỉ sau bệnh lý sỏi thận (chiếm 40%). Tuy là bướu lành nhưng nó là nguyên nhân khiến cho nhiều đấng mày râu phải lo lắng, vì chưa hiểu thấu đáo! Anh Nguyễn Đình L., 45 tuổi - nhân viên của một công ty TNHH tại TP.HCM, sau khi đi kiểm tra sức khỏe tổng quát tại một cơ sở y tế tư, kết quả siêu âm cho biết anh bị bướu ở tuyến tiền liệt, bác sĩ bảo phải mổ! Sợ quá, ngại đụng dao kéo ở chỗ quan trọng, anh chạy hỏi một bác sĩ chuyên khoa ở một bệnh viện lớn. Sau khi xem, vị bác sĩ này bảo không cần mổ, vì mổ sớm sẽ bị biến chứng!
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh - Trưởng khoa Tiết niệu (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM), tuyến tiền liệt nằm ở đoạn cuối cùng, phía trong niệu đạo, sát với cổ bàng quang, có hình dạng như hạt dẻ to, dẹt, gồm có hai múi, nặng từ 15g - 25g (ở người trưởng thành), có thể sờ được qua thăm khám. Bướu tiền liệt tuyến thường xảy ra ở đàn ông sau tuổi 40. Về nguyên nhân, đến nay người ta cũng chưa xác định rõ là do đâu, nhưng có giả thuyết là do sự tăng sinh tế bào niêm mạc tuyến và mô nền; do nội tiết tố sinh dục nam... Một điều chắc chắn mà các nhà khoa học biết được là nếu bị cắt bỏ tinh hoàn hoặc vì lý do gì đó bị mất tinh hoàn từ nhỏ thì người đó không bị bướu tiền liệt tuyến. Bệnh không phải do "ăn chơi" hay hoạt động tình dục gây ra như nhiều người lầm tưởng. Ban đầu thường bệnh không có biểu hiện triệu chứng, nên phần lớn người mắc bệnh không hề hay biết, khối u dần dần phát triển, và sau 50 tuổi thì thường khối u đã lớn, nhưng lúc này, nhiều trường hợp bệnh vẫn chưa biểu hiện triệu chứng gì nhiều ra bên ngoài. Vì vậy, thông thường người ta phát hiện bệnh qua đợt kiểm tra sức khỏe tổng quát, hay khám bệnh định kỳ, hoặc siêu âm.
Triệu chứng thường gặp phải do bướu tiền liệt tuyến gây nên đó là: đi tiểu nhiều lần trong đêm (4-5 lần đến 10 lần/đêm). (Vì sao bệnh "tập trung" tiểu vào ban đêm, các nhà chuyên môn còn tranh luận!). Tiểu đêm thường là triệu chứng đầu tiên của bệnh, làm cho người bệnh mất ngủ rất nhiều, sau đó là tiểu nhiều lần trong ngày, khoảng 2 giờ lại đi tiểu 1 lần, gây ảnh hưởng đến công việc; tiểu vội không nín được, có khi tiểu són. Nếu khối u bướu gây chèn ép thì có các triệu chứng khác như, tiểu lắt nhắt, tia nước tiểu bị ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, tiểu ngập ngừng khi bắt đầu, khó ngăn nhỏ giọt sau đi tiểu, cảm giác tiểu không hết. Nếu bị biến chứng có thể bị bí tiểu hoàn toàn, tiểu ra máu...
Mổ sớm sẽ nguy hiểm!
Tất cả các trường hợp mổ sau đó người bệnh đều bị phóng tinh ngược dòng, do cơ vòng trong đã bị cắt đi trong khi mổ. Đối với bướu lành tiền liệt tuyến, việc điều trị mổ hay không mổ không phải dựa vào kích thước khối u lớn hay nhỏ, mà chỉ mổ khi khối u chèn ép, gây bế tắc đường tiểu nặng như bí tiểu, tiểu khó, tiểu ít (nước tiểu còn lại trong bàng quang rất nhiều, nếu để lâu sẽ dẫn đến hư quả thận). Có trường hợp khối u lớn, nhưng không gây chèn ép, nhưng có nhiều khối u nhỏ lại gây chèn ép, tùy theo vị trí của khối u.
Theo tiến sĩ Trần Ngọc Sinh, nhiều người rất lo sợ khi nghe bướu ở tuyến tiền liệt, vì vậy rất nhiều bệnh nhân đòi mổ để giải quyết bệnh. Cũng có những trường hợp bác sĩ vì nhiều lý do phải mổ! Chính vì vậy, trên thực tế có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bướu lành tiền liệt tuyến mổ quá sớm. Tuy nhiên, đối với bướu lành tiền liệt tuyến, việc phẫu thuật quá sớm là điều không tốt, có thể đưa đến những biến chứng. 20% các trường hợp mổ sớm dẫn đến bị biến chứng, tùy theo phương pháp mổ mà biến chứng xảy ra ít hay nhiều (mổ hở, tỷ lệ các loại biến chứng lên đến 30%; cắt đốt nội soi biến chứng các loại khoảng 18%...).
Nếu siêu âm, thấy u bướu lớn, nhưng không gây triệu chứng, biến chứng gì, thì cứ để vậy theo dõi ở một bác sĩ chuyên khoa. Bệnh ở thể nhẹ, đi tiểu vài lần trong ngày, không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thì chỉ điều trị nội khoa (hiện bảo hiểm y tế có thanh toán cho việc điều trị bướu lành tiền liệt tuyến). Điều trị nội khoa bằng thuốc không làm tiêu cục u bướu được, nhưng có tác dụng làm giảm sự chèn ép của bướu lên đường tiểu. Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, hoặc bướu gây nên các biến chứng như nói trên thì mới can thiệp ngoại khoa bằng nhiều phương pháp mổ (mổ hở hay cắt đốt nội soi...).
Thanh Tùng
Bình luận (0)