Chỉ 1 ngày sau khi giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm, ngày 5.1, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ô tô. Có thể thấy, ngày càng có nhiều nghịch lý xung quanh chuyện giá cước vận tải.
Nghịch lý đầu tiên là cước vận tải từ lâu đã hoạt động theo cơ chế thị trường. Thị trường vận tải nội địa cũng là một trong những thị trường cực kỳ khốc liệt với rất nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân cùng tham gia khai thác. Đáng lẽ trong bối cảnh này, khi giá đầu vào như xăng dầu giảm, các hãng vận tải, taxi sẽ phải triệt để tận dụng cơ hội giảm giá cước để thu hút khách hàng về phía mình.
Nhưng ở đây thì ngược lại. Xăng dầu giảm thì giảm, hầu hết các hãng vận tải đều cố thủ giá. Để rồi một mặt hàng giá vốn không thuộc diện nhà nước quản lý nhưng ngày càng có nhiều hơn các cơ quan quản lý nhà nước phải nhúng tay vào can thiệp. Hết Bộ Giao thông vận tải đến Bộ Tài chính rồi lãnh đạo các sở, ban ngành địa phương đều đã phải lên tiếng yêu cầu giảm giá cước khi xăng dầu liên tục giảm giá. Thế nhưng kết quả cũng hết sức khiêm tốn, nếu không thể chây ì thì cũng chỉ giảm nhỏ giọt, giảm cho có.
Nghịch lý thứ hai là rất nhiều người dân mong muốn, ủng hộ kinh tế thị trường. Nhiều người đã từng rất sợ việc quản lý nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh cụ thể của DN. Tuy nhiên với sự chây ì của giá cước, trong mấy năm qua, chính họ lại nhiều lần lên tiếng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp.
Nhưng như nói trên, kết quả vẫn hết sức khiêm tốn. Cước không giảm hoặc giảm chậm, giảm ít khiến bài toán cân đối lợi - hại từ việc giá dầu thô thế giới lao dốc càng trở nên khó khăn hơn với một nền kinh tế vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu thành phẩm như VN. Đặc biệt, đây là một bất lợi lớn đối với các DN sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước nội khối ASEAN đang tận dụng tối đa việc giảm giá chi phí nhiên liệu để giảm giá thành sản phẩm.
Vậy chúng ta phải làm sao để lấy lại sự công bằng cho người dân, DN đang sử dụng dịch vụ vận tải? Câu trả lời là người tiêu dùng phải dùng quyền lực của mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đây là vũ khí thực sự lợi hại và hiệu quả nhưng trong suốt thời gian qua hầu như chưa được sử dụng. Vậy thì cùng lúc với yêu cầu, kêu gọi cơ quan quản lý vào cuộc, người tiêu dùng cần thực hiện tẩy chay các hãng, các DN cố tình không giảm giá hoặc chỉ giảm cho có lệ. Chắc chắn giải pháp này sẽ “trị” được bệnh chây ì kéo dài của nhiều hãng vận tải hiện nay.
Bình luận (0)