Dừng sản xuất dầu mỏ năm 2050: Nước giàu cần đi trước và chia sẻ chi phí

24/03/2022 13:23 GMT+7

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Tyndall đã vạch rõ lộ trình cho việc ngừng sản xuất dầu và khí đốt trên toàn thế giới . Trong đó, các nền kinh tế hàng đầu phải hoàn thành vào năm 2034, các nước kém phát triển vào năm 2050.

Ngăn bầu khí quyển nóng lên 1.5°C

Báo cáo được thực hiện bởi Tiến sĩ Calverley và Giáo sư Kevin Anderson thuộc trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Tyndall (Đại học Manchester), đã tính toàn một lộ trình rõ ràng cho việc ngừng sản xuất dầu và khí đốt để lượng carbon tạo ra không làm trầm trọng thêm quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo đó, để nắm được 50% cơ hội không khiến cho bầu khí quyển toàn cầu nóng lên 1,5°C, việc khai thác dầu khí phải được chấm dứt hoàn toàn vào năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu này, việc quan trọng nhất là phải đảm bảo sự công bằng và bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới. Không thể đòi hỏi các quốc gia kém phát triển phải loại bỏ hoàn toàn khai thác dầu khí vào năm 2034 giống với các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh hay Australia. Quá trình này đòi hỏi một nền tảng vững mạnh để đảm bảo các hoạt động kinh tế của một đất nước không bị gián đoạn trong thời gian chấm dứt sản xuất dầu và khí đốt.

Trong thời điểm mà nguồn cung nguyên liệu hóa thạch là vấn đề được quan tâm nhất trên trường quốc tế bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, báo cáo của trung tâm Tyndall cũng là lời cảnh tỉnh rằng, việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng mới phục vụ sản xuất nhiên liệu hóa thạch không phải là phương án khả thi để không phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Lí do là bởi các giải pháp năng lượng xanh có thể được xây dựng với tốc độ nhanh hơn, hay quan trọng nhất, việc phát triển nhiên liệu hóa thạch đi ngược lại với mục tiêu ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5°C.

Các nhóm quốc gia theo phân loại của trung tâm Tyndall

Oilchange

Chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch

Trong một cuộc họp mới đây, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPPC) đã tái khẳng định rằng, việc tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang gây ra những tác động tiêu cực đến khí hậu, gây ra thiệt hại lớn với những nhóm ít tác động vào quá trình biến đổi khí hậu nhất.

Đồng tình với IPPC, nghiên cứu của trung tâm Tyndall cho biết, nếu việc khai thác dầu khí và nhiên liệu hóa thạch không được dừng lại, toàn thế giới sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng mà biến đổi khí hậu toàn cầu tạo nên. Về cơ bản, các chính phủ phải giữ vững lập trường thúc đẩy năng lượng tái tạo, không để bị ảnh hưởng từ ngành dầu khí - những người đang sử dụng căng thẳng Nga - Ukraine như một cái cớ để mở rộng sản xuất.

Để phục vụ cho mục đích phân loại, báo cáo của Tyndall chia các quốc gia thành 5 nhóm lớn, từ các nước có khả năng thực hiện việc chấm dứt khai thác dầu khí cao nhất đến thấp nhất, sử dụng GDP đầu người không tính doanh thu từ dầu khí làm đại lượng.

Theo báo cáo của trung tâm Tyndall, hơn 1/3 sản lượng dầu khí toàn cầu được cung cấp bởi các quốc gia có nền kinh tế có thu nhập bình quân rất cao, nền kinh tế không phụ thuộc vào việc khai thác khí đốt. Vì lẽ đó, dù việc chuyển đổi sang một nền kinh tế không nhiên liệu hóa thạch sẽ cần những chi phí rất lớn, nhưng các quốc gia thuộc nhóm 1 có thể thực hiện quá trình này mà không gây ra bất ổn xã hội.

Cụ thể, các quốc gia thuộc nhóm 1 cần loại bỏ dần việc sản xuất của họ chậm nhất là vào năm 2034 hoặc vào năm 2031 để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Theo trung tâm Tyndall, quá trình này phải diễn ra ngay tức khắc, tức phải giảm 74% sản lượng dầu khí vào năm 2030.

Lộ trình chấm dứt dầu khí của 5 nhóm quốc gia theo Tyndall

Tyndall

Các quốc gia nhóm đầu cần chia sẻ chi phí

Một trong những kết luận quan trọng nhất từ báo cáo của Tyndall là việc ngừng chấm dứt hoàn toàn khai thác dầu khí vào năm 2050 là không thực sự bình đẳng với các quốc gia thuộc nhóm 5. Theo đó, các nước này phải loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt chỉ sau 15 năm so với các quốc gia thuộc nhóm 1 và 2, trong khi doanh thu từ các lĩnh vực khác của nền kinh tế không thể phục vụ cho việc chuyển đổi này. Một ví dụ cụ thể là việc yêu cầu một đất nước như Mozambique (GDP bình quân đầu người 450 USD) sẽ cần phải loại bỏ sản xuất dầu và khí đốt 16 năm sau Na Uy (GDP bình quân đầu người 67.000 USD) là bất bình đẳng.

Theo đó, các quốc gia thuộc nhóm đầu phải có trách nhiệm chia sẻ chi phí trong công cuộc chấm dứt dầu khí với các quốc gia thuộc nhóm cuối. Trung tâm Xuyên Quốc gia (TNI) cho biết, các nền kinh tế hàng đầu không chỉ cần hủy bỏ khoản nợ tài chính và tiền bồi thường khí hậu với các nền kinh tế kém phát triển (khoảng 2.300 tỉ USD/năm) mà còn cần cải cách các hiệp định thương mại và luật pháp quốc tế để tạo nền tảng cho một quá trình chuyển đổi hiệu quả và công bằng.

Các nước phát triển cần ngừng sản xuất dầu đến năm 2034

REUTERS

Ngoài ra, các quốc gia nhóm 1 cũng cần phải ngừng việc thúc đẩy các quốc gia ở phía Nam bán cầu phát triển khai thác nhiên liệu hóa thạch để phục vụ lợi ích của các tập đoàn năng lượng. Báo cáo của Tyndall chỉ ra rằng, từ năm 2016 - 2021, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp đã rót 132 tỉ USD vào 964 dự án khai thác khí đốt tại châu Phi. Trong giai đoạn 2018 - 2020, các tổ chức tài chính công thuộc G20 vẫn tài trợ 63 tỉ USD cho các dự án khai thác than đá và dầu khí trên toàn thế giới. So sánh với các con số trên, con số 26 tỉ USD dành cho phát triển năng lượng tái tạo trong cùng thời kì trở nên thật nhỏ bé.

Những nhà hoạt động môi trường tại châu Phi như Anabela Lemos và Nnimo Bassey nhấn mạnh rằng, việc các nền kinh tế hàng đầu tiếp tục tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch ở châu Phi đang tạo ra một “bẫy nhiên liệu hóa thạch” trên lục địa này, khiến cho công cuộc ngăn chặn biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn hơn. Hơn nữa, việc các nước ở nhóm cuối luôn chờ đợi những động thái của những nền kinh tế hàng đầu trước khi thực hiện việc chuyển đổi khiến cho trách nhiệm chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu khí của các nước nhóm đầu càng trở nên cấp bách hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.