Dừng tất cả công trình hạ tầng phụ trợ sân golf Tân Sơn Nhất

Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với các bộ ngành chiều 12.6 nhằm tìm phương án tối ưu để giải bài toán "nóng" ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất .

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp chiều 12.6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì còn các phó thủ tướng, bộ trưởng các bộ Quốc phòng, GTVT, Xây dựng, TN-MT và lãnh đạo UBND TP.HCM.
"Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng kết luận là giao Bộ trưởng GTVT chủ trì thuê tư vấn nước ngoài để rà soát, khảo sát, lên phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), trong đó tính toán khả năng làm thêm 1 đường băng số 3 trên cơ sở hiệu quả tiết kiệm, đảm bảo tiến độ nhanh nhất để giải quyết vướng mắc, ùn tắc, quá tải và báo cáo Thủ tướng trong cuối năm nay", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho biết thêm, việc thuê tư vấn nước ngoài là để đảm bảo khách quan và trong thời gian này các phương án mà tư vấn trong nước đã trình sẽ tạm thời được gác lại.

tin liên quan

Sân golf Tân Sơn Nhất uy hiếp an toàn bay
Năm 2011, Báo Thanh Niên đã có loạt bài phân tích rất kỹ về những hệ lụy của dự án sân golf Tân Sơn Nhất nhưng sau đó, dự án này vẫn được tiến hành xây dựng.
Ông Dũng cũng thông tin thêm, Thủ tướng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê... để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định. Thủ tướng cũng yêu cầu mọi việc phải tiến hành minh bạch trước công luận, cử tri cả nước.
Trả lời câu hỏi Chính phủ có bàn đến việc mở rộng lên phía nam hay về phía bắc, người phát ngôn Chính phủ cho hay cuộc họp không tính toán phía bắc hay nam. "Trên cơ sở kết luận như thế, cơ quan tư vấn, tham mưu sẽ tham mưu đường băng thứ 3 rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu, nên đặt chỗ nào", ông Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định việc nghiên cứu mở rộng sân bay TSN không ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai xây dựng sân bay Long Thành và: "hai việc này vẫn song song nhưng mở rộng TSN là ưu tiên số 1 để giải quyết việc ùn tắc trước mắt trong khi Long Thành là chiến lược lâu dài". "Dự án Long Thành là có chủ trương của Quốc hội, Bộ Chính trị. Có Long Thành thì sân bay TSN vẫn hoạt động và tồn tại. Cuộc họp này, Thủ tướng cũng chỉ đạo các biện pháp để tăng cường xúc tiến đầu tư theo tiến độ của sân bay Long Thành", Bộ trưởng nói thêm.
Trước đó, theo Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Lê Đình Thọ (người phụ trách lĩnh vực hàng không) đã có những phát biểu rõ ràng. Cụ thể, phương án sử dụng đất sân golf để cải tạo, mở rộng sân bay TSN đã được tính tới, trong số 7 phương án quy hoạch điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế TSN được lập (Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không - Bộ Quốc phòng (ADCC) là đơn vị được giao lập quy hoạch này - PV).
Hàng trăm tấn hóa chất để chăm sóc cỏ
Theo nghiên cứu từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết trên mỗi héc ta sân golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 - 5 lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp tương tự. Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á, ước tính mỗi sân golf tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm. Số hóa chất này bị nước tưới, nước mưa... hòa tan cuốn xuống các ao hồ, sông suối và thẩm thấu vào nước ngầm, tiếp tục trở thành nguồn ô nhiễm nước nghiêm trọng cho khu vực. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước, một số sân golf còn trừ sâu bằng máy phun đã phát tán 90% độc chất vào không khí và đều là các chất có nguy cơ cao gây ung thư.
Để chăm sóc cỏ, phải tốn rất nhiều hóa chất mỗi năm Ảnh: Độc Lập
Với sân golf TSN, theo TS sinh học Nguyễn Đăng Diệp, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, cỏ được trồng trong sân golf là cỏ lông nhung, mềm, yếu nên phải phun thuốc trừ sâu quanh năm. Chỉ tính các loại phân hóa học dùng để chăm sóc cỏ, mỗi năm mặt đất sân golf này “ngốn” tới 189,468 tấn; khoảng 8,88 tấn hóa chất dùng để bảo vệ cỏ (chất sát trùng, thuốc trừ sâu...). Do đặc tính chịu khô không được, ngay sau khi phun thuốc phải lập tức tưới nước và lượng nước tưới hằng năm rất lớn. “Các chất độc này theo nguồn nước ngấm xuống các vùng trồng rau nhà dân, ngấm vào nguồn nước ăn hằng ngày của dân, rất độc hại” - ông nói.
Chuyên gia Phạm Sanh bức xúc, từ khi hoạt động đến nay, sân golf TSN đã tác động trực tiếp đến hệ thống thoát nước sân bay, gây tình trạng ngập nước ảnh hưởng tới việc đỗ, đậu của các máy bay. Lượng nước cung cấp cho sân golf cực kỳ lớn, tương đương lượng nước sử dụng của 150.000 - 200.000 hộ dân.
Lấy lại sân golf là hợp lẽ
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có nhiều lý do phải thu hồi đất sân golf để mở rộng sân bay TSN. Thứ nhất, trong khi sân bay TSN thiếu diện tích để mở rộng, thì ngay bên cạnh, đất sân bay do quân sự quản lý lại cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư, biệt thự, sân bóng đá... đó là điều hết sức vô lý. Thứ hai, thu hồi đất sân golf để nâng cấp cải tạo sân bay TSN là chiến lược cần thiết để tránh phải làm đi làm lại nhiều lần, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước. “Vì vậy, để tránh cách làm manh mún trong quy hoạch cần xác định mở rộng, nâng cấp TSN hết mức có thể rồi mới tính phương án khác. Vì thế phải sớm thu hồi sân golf càng sớm càng tốt”, ông Tống nói.
Đồng quan điểm và nhìn trong tổng quan với sân bay Long Thành, KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định: “Thu hồi đất sân golf, kinh phí để mở rộng TSN sẽ rẻ hơn rất nhiều, đồng thời cũng kéo dài thời gian huy động vốn, hoàn thiện việc xây sân bay Long Thành”.
Ủng hộ việc lấy lại sân golf để mở rộng sân bay TSN, theo PGS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM), nên lấy một phần đất sân golf để làm đường băng số 3. Khi có diện tích mới nhiều hơn, có thể làm thêm hệ thống thoát nước cho sân bay ra đường Phạm Văn Bạch, Quang Trung, kênh Tham Lương... Khi đó, sân bay TSN không lo vấn đề thoát nước, thậm chí khu vực sân golf có thể làm hồ điều tiết cũng được.
Việc mở rộng sân bay TSN là cần thiết và cấp bách
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong cuộc trao đổi với báo chí sáng 12.6 bên hành lang Quốc hội. Theo ông Dũng, do nhu cầu đi lại quá lớn, sân bay Long Thành chưa thể khởi công trong ngày một ngày hai. Chính vì thế việc mở rộng sân bay TSN là cần thiết và cấp bách. Còn phương án do Bộ GTVT xem xét. Mở về phía nào, cần lấy đất ở đâu, cần làm những gì, Bộ GTVT phải quyết định, có ý kiến đầu tiên. Khi cần thiết phải lấy diện tích đất sân golf để cải tạo, nâng cấp sân bay thì phải bàn với chủ đầu tư và Bộ Quốc phòng.
Nếu có nhiệm vụ quốc phòng sẽ thu hồi sân golf vô điều kiện
Trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 12.6 về việc nếu lấy hết 157 ha sân golf để phục vụ cho việc mở rộng TSN sẽ ảnh hưởng gì đến an ninh quốc phòng như thế nào, thiếu tướng Lâm Quang Đại, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM cho biết 157 ha này là đất dự phòng của quốc phòng để bảo vệ TP.HCM và chính sân bay TSN, trước đây vốn là khu đất trống.
“Bộ Quốc phòng có quan điểm nhất quán là chỉ sử dụng đất quốc phòng nhàn rỗi để phát triển kinh tế lấy nguồn ngân sách củng cố quốc phòng, các doanh trại quân đội. Quan điểm thứ hai là nếu như có nhu cầu về quốc phòng thì sẽ thu hồi vô điều kiện”, thiếu tướng Lâm Quang Đại khẳng định.
Trường Sơn (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.