Dùng tế bào trong vết thương hở để chữa lành mảng da loét lớn

11/09/2018 09:05 GMT+7

Các nhà khoa học của Viện Salk (Mỹ) vừa phát triển một kỹ thuật biến đổi các tế bào trong những vết thương hở thành các tế bào da khỏe mạnh để thay thế phẫu thuật thẩm mỹ trong điều trị vết loét lớn và sâu trên da.

Những tế bào trong vết thương hở được biến đổi có chức năng như những tế bào gốc, dùng để làm lành những tổn thương ở da như phỏng nặng, vết lở loét do nằm trên giường quá lâu hay những biến chứng loét do đái tháo đường.
Những nhà nghiên cứu trên cũng đã sử dụng quy trình này để chống lại sự lão hóa, theo UPI.

Giáo sư - tiến sĩ Juan Carlos Izpisua Belmonte của Viện Salk (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, nói trong thông cáo báo chí được trích đăng trên UPI: Các bác sĩ chuyên khoa hiện tại dùng phương pháp cấy ghép da để điều trị những vết loét lớn và sâu.
Tuy nhiên, có những vết loét quá lớn đến nỗi các bác sĩ giải phẫu không có đủ da để ghép.
Một lựa chọn khác là các bác sĩ đơn lập các tế bào da gốc, phát triển chúng trong phòng thí nghiệm và sau đó ghép chúng lại vào cơ thể bệnh nhân. Quy trình này mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, khả năng tái tạo lại một làn da khỏe mạnh cũng không cao.
Cách làm của nhóm giáo sư Belmonte rút ngắn được thời gian và không cần phải lấy các tế bào ra khỏi cơ thể người bệnh. Thay vào đó, họ biến đổi trực tiếp các tế bào trong vết thương thành những tế bào da khỏe mạnh.
Kỹ thuật này đã được thử nghiệm ở chuột.
Kết quả thử nghiệm cho thấy chỉ trong vòng 18 ngày, chuột có những vết loét lớn trên da đã lành. Ba đến sáu tháng sau, các tế bào da khỏe mạnh đã sản sinh và phát triển.
“Trước khi đưa ra thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi cần phải nghiên cứu thêm về mức độ an toàn và gia tăng mức hiệu quả lên cao nhất có thể”, nhà nghiên cứu Masakazu Kurita của Viện Salk cho biết thêm trên UPI.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.