Dừng thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp và ĐH tự chủ tuyển sinh, tại sao không?

03/04/2020 16:57 GMT+7

Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 kéo dài, năm nay có thể tổ chức xét tốt nghiệp thay vì tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và các trường ĐH tự chủ trong phương thức tuyển sinh .

Đó là ý kiến góp ý từ chuyên gia các trường ĐH trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với Bộ GD-ĐT trong nghiên cứu, đề xuất phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Theo thông cáo báo chí về nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3.2020 diễn ra vào chiều 1.4, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án đối với thi THPT quốc gia phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Nên có nhiều phương án khác nhau

Trước yêu cầu này, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho rằng cái khó nhất hiện nay là chưa dự báo được khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần tính tới những phương án khác nhau cho kỳ thi năm nay.
Phương án thứ nhất, theo tiến sĩ Viên, một kỳ thi chung được tổ chức sẽ tốt hơn vì mức độ đánh giá công bằng, có tính chuẩn mực toàn quốc trên cơ sở đó trường ĐH lựa chọn thí sinh đảm bảo chất lượng đồng đều. Do vậy, nếu dịch bệnh không kéo dài kỳ thi THPT quốc gia có thể diễn ra vào tháng 8.
"Hiện nay các trường THPT đang thực hiện dạy học từ xa. Nếu dự báo được thời điểm kết thúc dịch, sau đó bổ sung kiến thức trực tiếp kịp thời cho học sinh thì vẫn thực hiện được kỳ thi THPT quốc gia", ông Viên nói.
Nhưng theo ông Viên, ngay thời điểm này Bộ nên chuẩn bị thêm một phương án dự phòng cho trường hợp dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến Khung kế hoạch năm học điều chỉnh lần 2. Khi đó, phương án dự phòng này có thể là tổ chức xét tốt nghiệp thay vì một kỳ thi. Phương án xét tốt nghiệp này dù dự phòng nhưng cần được cân nhắc nghiêm túc và xây dựng một cách khoa học.
"Khi học sinh phổ thông được xét tốt nghiệp, các trường ĐH cũng có thể phải tính tới phương án xét điểm học bạ 5 học kỳ. Trường hợp này nếu diễn ra là tình thế bất khả kháng và các trường ĐH cần thực hiện theo hoàn cảnh thực tế. Quan trọng là, dù cách thức xét tuyển nào nếu thực hiện chặt chẽ thì vẫn cho ra kết quả tốt", tiến sĩ Viên phân tích.

Xét tốt nghiệp hoặc giao sở GD-ĐT tự tổ chức?

Cùng quan điểm này, Phó hiệu trưởng một trường ĐH thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, đặt luôn vấn đề: "Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, xét tốt nghiệp và trường ĐH tự chủ tuyển sinh - tại sao không?".
Theo Phó hiệu trưởng này, tuyển sinh là việc của các trường ĐH. Hiện các trường ĐH đã chủ động tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau dựa vào kết quả học bạ THPT. Một số trường còn tổ chức bài thi riêng để đánh giá năng lực người học.
"Nếu dịch bệnh phức tạp kéo dài, các địa phương tổ chức xét tốt nghiệp cho học sinh thì đây chính là cơ hội để các trường chủ động trong việc tuyển người học của trường mình", tiến sĩ này nói.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, trong trường hợp "xấu" nhất vẫn tổ chức thi THPT quốc gia nhưng đề thi bỏ phần kiến thức học kỳ 2 của lớp 12. Khi đó, các môn và bài thi sẽ kiểm tra kiến thức thi có thể dựa vào học kỳ 1 lớp 12 và lớp 10, 11.
"Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp thì có thể giao kỳ thi THPT quốc gia 2020 cho các sở GD-ĐT tổ chức. Không nên xét tốt nghiệp vì luật đã có quy định", thạc sĩ Sơn ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.