Dùng trí tuệ nhân tạo để tài nguyên văn hóa được lan tỏa

26/04/2022 10:53 GMT+7

Ngày 25.4, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội liên hiệp Thanh niên VN phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biên” tại Làng văn hóa dân tộc Mông (xã Pả Vi, H.Mèo Vạc, Hà Giang).

Tọa đàm do anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, và ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, chủ trì.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tại buổi tọa đàm

Trần Cường

Sau khi nghe các tham luận, ông Trần Đức Quý nêu vấn đề: địa phương cần bảo tồn văn hóa, truyền thống bao đời của các đồng bào dân tộc, còn những hủ tục lạc hậu cần phải loại bỏ và muốn loại bỏ thì Đoàn thanh niên phải tiên phong. “Đặc biệt, muốn giữ, bảo vệ được văn hóa vùng biên thì không phải quân đội, công an mà là người dân chúng ta, trong đó có thế hệ thanh niên, phải vào cuộc”, ông Quý nhấn mạnh.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho rằng tọa đàm có ý nghĩa rất quan trọng và có tính chiến lược lâu dài. Nếu không có văn hóa đủ mạnh thì không chỉ không bảo vệ được cương thổ đất nước mà còn bị xâm lăng, đồng hóa về văn hóa, ảnh hưởng tới sự phát triển trường tồn của dân tộc. Anh Tuấn cho biết T.Ư Đoàn đã tập trung 3 trọng tâm lớn là văn hóa trên không gian số, văn hóa biên cương và khởi nghiệp văn hóa. Đặc biệt, khởi nghiệp văn hóa là công việc quan trọng với thanh niên trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Sắp tới T.Ư Đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Đoàn tổ chức tọa đàm, trao đổi và nhận thức rõ hơn. Nhận thức đúng, đủ tầm quan trọng, giá trị văn hóa dân tộc chúng ta sẽ được khẳng định.

Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, việc bảo tồn văn hóa trước hết phải bắt đầu từ các cháu thiếu niên, nhi đồng. Nếu ngay từ nhỏ các cháu được giáo dục, bồi đắp, tự hào về truyền thống văn hóa của đất nước, dân tộc thì sẽ có ý thức trách nhiệm bảo tồn, phát huy và lan tỏa.

Bên cạnh đó, anh Tuấn cho rằng việc chuyển đổi số trong hoạt động văn hóa để bảo tồn, phát huy là rất quan trọng. Phải bắt đầu từ việc số hóa các tài nguyên văn hóa, sau đó kết nối, truyền thông xã hội, dùng trí tuệ nhân tạo để tài nguyên văn hóa được lan tỏa. Muốn làm được điều đó phải nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu nhi. “Các bạn thanh niên cũng có thể trở thành YouTuber, TikToker, khi mình có năng lực số, khi mình có tình yêu đối với dân tộc mình thì chắc chắn sẽ tạo ra được công cụ, cách thức lưu giữ và lan tỏa giá trị truyền thống văn hóa”, anh Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.