Theo đánh giá của các đại biểu tham gia hội thảo, hiện nay, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất nhưng đồng thời cũng là ngành được hưởng lợi rất nhiều từ chuyển đổi số nói chung, trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng.
Thực tiễn áp dụng AI hiện nay không chỉ dừng ở việc dạy và học mà còn tham gia phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra những công nghệ, sản phẩm, ứng dụng mới trong lĩnh vực này. Để phát huy những mặt tích cực đó, chỉ nỗ lực của các trường phổ thông thôi chưa đủ mà còn cần sự chung tay của toàn ngành, gồm các trường ĐH, phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện cùng sự hỗ trợ, phối hợp của các ban ngành.
TP.HCM thí điểm 2 mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ngành GD-ĐT đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có ứng dụng AI vào quản lý dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Ngoài ra, một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch thực hiện chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI năm 2024 do UBND TP.HCM phê duyệt là triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực AI. UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở GD-ĐT tiếp tục triển khai các đề án, đề tài về giảng dạy AI cho học sinh phổ thông, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng giáo viên dạy AI, Robotics...
Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết đã "đặt hàng" Trường ĐH Sài Gòn xây dựng đề tài khoa học về giảng dạy AI cho học sinh phổ thông. Theo nội dung của đề tài, việc giảng dạy AI bắt đầu từ lớp 3, hướng đến mục tiêu mở rộng dạy đại trà cho học sinh ở tất cả bậc học.
Để cụ thể hóa những kế hoạch triển khai dữ liệu lớn và ứng dụng AI trong giáo dục, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho hay ngành giáo dục đang có 4 nhóm dữ liệu lớn gồm: Dữ liệu học sinh, dữ liệu giáo viên, dữ liệu nhà trường, dữ liệu học tập trực tuyến. Các nguồn dữ liệu này nếu được tạo điều kiện trở thành dữ liệu đầu vào của AI, sau đó thông qua hệ thống phân tích, tính toán cho ra kết quả là các dự đoán, đề xuất và hỗ trợ mang tính chất cá nhân hóa thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành giáo dục. Theo đó, AI có thể tạo lộ trình học tập riêng cho từng học sinh dựa trên khả năng và tiến độ học tập của các em, tích hợp kiến thức vào các trò chơi giáo dục.
Riêng đối với giáo viên, AI hỗ trợ tạo ra các bài giảng, bài tập và tài liệu học tập có khả năng tùy chỉnh, hoặc trở thành "trợ lý ảo" giải đáp các câu hỏi thường gặp của học sinh. Công cụ này còn là kênh thông tin hữu ích để điều chỉnh nội dung và tốc độ học tập dựa trên hiệu suất của từng người học; phân tích dữ liệu để dự đoán xu hướng học tập, phục vụ yêu cầu quản lý của các trường học.
Chánh văn phòng sở này cho hay, năm học 2024-2025, TP.HCM thí điểm 2 mô hình ứng dụng AI vào giáo dục là hỗ trợ điều chỉnh lộ trình học tập và dự đoán nội dung kiến thức cần bồi dưỡng cho học sinh. Tuy nhiên ngành GD-ĐT đang đứng trước nhiều thử thách lớn về hạ tầng và nhân lực thực hiện.
"Cơ sở hạ tầng công nghệ hiện nay chưa đủ mạnh để lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn, chất lượng dữ liệu chưa cao, thiếu tính đồng bộ, nhất quán, nhân lực có chuyên môn về AI còn thiếu và yếu. Do đó, để đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu lớn và AI vào quá trình dạy học, cần đầu tư hệ thống máy chủ, mạng lưới, công cụ phân tích dữ liệu, đồng thời xây dựng quy trình thu thập, xử lý, quản lý dữ liệu chặt chẽ, có chế độ đào tạo, thu hút nhân tài vào lĩnh vực này", Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ý kiến.
Tác động của trí tuệ nhân tạo vào hoạt động giáo dục
Còn theo bà Nguyễn Phương Lan, Tổng giám đốc EMG Education, trong giảng dạy tiếng Anh, AI có vai trò quan trọng và ngày càng phổ biến, giúp nâng cao trải nghiệm học tập bằng cách cá nhân hóa chương trình đào tạo, điều chỉnh theo nhu cầu cùng khả năng của mỗi học sinh. Các công nghệ như chatbots và ứng dụng học tập thông minh có thể hỗ trợ giáo viên trong việc tổ chức lớp học, cung cấp phản hồi tức thì cho học sinh, tạo môi trường học tập tương tác, linh hoạt.
Ngoài ra, AI có thể được sử dụng để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ thông qua các ứng dụng, giúp người học luyện phát âm, cung cấp các phản hồi và đề xuất cá nhân hóa lộ trình học tập cho người học. Những công cụ này không chỉ giúp học viên dễ dàng tiếp cận kiến thức mà còn tạo cơ hội thực hành ngôn ngữ mọi lúc, mọi nơi, giúp việc học trở nên hiệu quả và thú vị hơn, góp phần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Hải, Viện Nghiên cứu giáo dục STEM, Đại học Missouri (Mỹ), nêu ý kiến nếu làm chủ được công nghệ AI, người học sẽ đồng thời là người thiết kế, sử dụng công cụ này để tạo ra các nội dung học tập, qua đó nâng cao năng lực số, phát triển các kỹ năng và phẩm chất cá nhân. Riêng đối với giáo viên, AI hỗ trợ đắc lực công việc thiết kế bài dạy; xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá học sinh, qua đó đa dạng hình thức học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Tiến sĩ Hải cũng nhấn mạnh, trong quá trình ứng dụng AI, người dạy và người học tăng cường tương tác, dạy học được cá nhân hóa phù hợp với từng đối tượng học sinh. Như vậy, AI không chỉ thay đổi về nhận thức mà còn thay đổi hành vi, phương pháp dạy học của giáo viên. Nếu trường học chờ cơ chế, chính sách rồi mới thực hiện thì sẽ trở thành lạc hậu. Thay vào đó, các thầy, cô giáo cần mạnh dạn làm, sai ở đâu thì rút kinh nghiệm ở đó.
Những thách thức ngành giáo dục đối mặt khi AI phát triển
Hội thảo hôm nay sẽ giúp ngành GD-ĐT nhận thức, hình dung ra những lợi ích, tác dụng của AI. Trước đây có ý kiến cho rằng AI sẽ có thay thế con người khiến con người có cảm giảm sợ công nghệ. Qua đây đã nhận thức rõ ràng AI là công cụ hữu hiệu phục vụ cho thầy trò, quyết định dùng gì, như thế nào là ở yếu tố con người. AI hỗ trợ hữu hiệu hoạt động giáo dục từ công tác chuẩn bị giáo viên, giúp giảm bớt công việc để dành thời gian chăm chút công tác dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục hoặc đánh giá năng lực.
Đồng thời AI đã chỉ ra thách thức, những vấn đề phải đối diện với công nghệ hiện đại. Đầu tiên đó là sự lạm dụng vào AI trong hoạt động của giáo dục, đặc biệt người học. Học sinh dễ dàng dựa vào AI để giải bài tập và chép lại nhưng không hiểu. Từ đó thách thức của đội ngũ nhà giáo thay đổi phương pháp, cách thức đánh giá. Hay là vấn đề liêm chính học thuật, làm sao giáo viên kiểm soát, đánh giá được việc thực học của người học… Đây là thách thức ngành giáo dục đối mặt khi AI phát triển.
Ngành giáo dục cần có hành động, nên tiếp cận theo từng nhóm đối tượng thụ hưởng (đối tượng bị tác động). Chia thành từng nhóm để có sự quan tâm đúng mức, nâng cao nhận thức, kiến thức. Điều này đòi hỏi phải có sự đồng hành của các chuyên gia, doanh nghiệp với ngành giáo dục.
Ông Nguyễn Sơn Hải (Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT)
Bình luận (0)